Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry ngày 17/9 khẳng định Washington sẽ chỉ cung cấp công nghệ hạt nhân cho Saudi Arabia nếu Riyadh ký thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc để cho phép các cuộc thanh sát đột xuất không theo kế hoạch.
Phát biểu với báo giới, ông Perry nêu rõ Washington đã gửi đi bức thư, trong đó đưa ra các yêu cầu rằng Mỹ sẽ tiến hành những cuộc thanh tra thích hợp và thận trọng ở nước này, theo cách thức phù hợp với những gì IAEA mong đợi từ quan điểm của Giao thức Bổ sung - công cụ gia tăng quyền hạn của IAEA trong việc xác minh đảm bảo các nước thành viên sử dụng nguyên liệu hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Hiện có hơn 130 nước, trong đó có Iran, tham gia Giao thức Bổ Sung. Tuy nhiên, lâu nay Saudi Arabia phản đối việc tham gia câu lạc bộ này.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nhấn mạnh việc sở hữu lò phản ứng là một quy trình mà Mỹ không có quyền hạn đơn phương trong việc cấp phép cho Saudi Arabia.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc ngày 18/9 cho biết nước này và Saudi Arabia đã nhất trí hợp tác để thương mại hóa một lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có quy mô vừa nhỏ.
Theo bộ trên, thỏa thuận thúc đẩy chương trình SMART - lò phản ứng tiên tiến modul tích hợp hệ thống - đã được ký kết tại các cuộc đàm phán song phương được tổ chức bên lề hội nghị chung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna (Áo) hôm 17/9.
Hai bên cũng đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác toàn diện trong nghiên cứu và phát triển hạt nhân và một thỏa thuận riêng rẽ khác để thành lập trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử chung vào cuối năm 2019.
[Mỹ ''bật đèn xanh'' cho các dự án hạt nhân tại Saudi Arabia]
Hàn Quốc và Saudi Arabia đã chi 130 triệu USD cho một dự án kỹ thuật tiền sản phẩm hoạt động từ cuối năm 2015 đến tháng 11/2018 để đặt nền móng cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Saudi Arabia.
Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, mới đây đã công bố kế hoạch phát triển điện hạt nhân mà bước đầu là dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước này vào năm 2020.
Riyadh khẳng định mục đích phát triển điện hạt nhân của nước này là nhằm thay đổi cơ cấu năng lượng, tuy nhiên tình trạng gia tăng căng thẳng với đối thủ khu vực Iran đã và đang làm dấy nên những quan ngại rằng Riyadh có thể sử dụng công nghệ này để phát triển vũ khí hạt nhân./.