Mỹ: Tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể bị Thượng viện bác bỏ

Thượng viện Mỹ, do đảng Cộng hòa kiểm soát, dường như đã gom đủ số phiếu cần thiết để thông qua nghị quyết chấm dứt biện pháp nói trên của Tổng thống Donald Trump.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington D.C., ngày 24/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington D.C., ngày 24/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là "nước cờ" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn nhằm trực tiếp huy động nguồn vốn từ công quỹ liên bang cho dự án xây dựng bức tường biên giới với Mexico và tránh được sự can thiệp của Quốc hội.

Tuy nhiên, bước đi này của ông đã vấp phải sự phản đối từ chính các nghị sỹ trong đảng Cộng hòa.

Truyền thông Mỹ ngày 3/3 đưa tin Thượng viện Mỹ, do đảng Cộng hòa kiểm soát, dường như đã gom đủ số phiếu cần thiết để thông qua nghị quyết chấm dứt biện pháp nói trên của nhà lãnh đạo Mỹ.

Có tổng cộng 4 nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ gồm Rand Paul, Susan Collins, Lisa Murkowski và Thom Tillis tuyên bố sẽ cùng các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ phản đối tuyên bố của Tổng thống.

[Tổng thống Mỹ khẳng định có toàn quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp]

Thượng nghị sỹ Paul nhấn mạnh ông không thể ủng hộ việc trao cho tổng thống quyền chi tiêu công quỹ mà không được Quốc hội thông qua.

Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số ghế tại Thượng viện Mỹ với tổng cộng 53/100 ghế. Tuy nhiên, việc mất đi 4 phiếu ủng hộ nói trên, cũng đồng nghĩa với "nước cờ" của Tổng thống Trump có thể bị bác bỏ tại cơ quan lập pháp này.

Trước đó, ngày 26/2, với 245 phiếu thuận và 182 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ chiếm đa số đã phê chuẩn một nghị quyết bác bỏ hành động của "ông chủ" Nhà Trắng.

Đã có 13 Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu đối với nghị quyết đã được Hạ viện thông qua. Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ bác bỏ nghị quyết này.

Tháng 2/2019, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động trực tiếp hàng tỷ USD từ các nguồn công quỹ liên bang phục vụ dự án xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà theo ông ước tính lên tới 5,7 tỷ USD.

Việc Quốc hội Mỹ và ông Trump bất đồng về dự thảo chi ngân sách cho dự án này khiến đã khiến một phần Chính phủ Mỹ "đóng cửa" trong quãng thời gian kỷ lục 35 ngày, tác động tiêu cực đến người lao động, sự vận hành của bộ máy chính phủ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục