Nâng cao nhận thức hiến mô, bộ phận cơ thể người trong cộng đồng

Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam hiện rất lớn với hàng chục nghìn người đang chờ thay thế các bộ phận cơ thể bị suy giảm chức năng, không thể phục hồi.
Nâng cao nhận thức hiến mô, bộ phận cơ thể người trong cộng đồng ảnh 1Một ca ghép thận cho bệnh nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 15/8, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Y tế và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn và Hội thảo về tuyên truyền, vận động thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Đây là một trong những nội dung của chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2013-2016.”

Tham gia hội nghị có đại diện Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương trong cả nước.

Tại Hội thảo về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến mô, bộ phận cơ thể người, phó giáo sư-tiến sỹ Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thuyết minh, hướng dẫn những quy định, thủ tục, điều kiện, quyền lợi đối với người hiến và nhận mô, bộ phận cơ thể.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trịnh Hồng Sơn nhấn mạnh, ghép mô, bộ phận cơ thể người là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo do các mô, bộ phận cơ thể người bị suy giảm chức năng và không phục hồi được như suy thận mãn, suy gan mãn, suy tim…

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến hết năm 2013, Việt Nam đã thực hiện hơn 1.000 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 9 ca ghép tim, 1 ca ghép thận và tủy, hơn 1.400 ca ghép giác mạc. Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam hiện rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận. Về ghép gan, tại một số bệnh viện lớn đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có khoảng 300.000 người mù lòa do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép và hàng trăm người chờ được ghép tim.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trịnh Hồng Sơn đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan từ đại diện các đơn vị trong cả nước về hiến mô, bộ phận cơ thể người và giới thiệu về quá trình thành lập và hoạt động của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Phần tập huấn về thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, thạc sỹ Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế đã thông tin tới những quy định, chính sách mới về Bảo hiểm y tế và lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục