'Nếu học sinh nói xấu, người thầy trước hết phải nhìn lại mình'

"Thầy cô khi nghe thông tin học sinh nói chưa tốt về mình thì trước hết phải bình tĩnh nhìn lại bản thân. Nếu thực sự mình có điểm chưa tốt đó thì mình phải sửa," thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.
'Nếu học sinh nói xấu, người thầy trước hết phải nhìn lại mình' ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Việc Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, tỉnh Thanh Hóa vừa phải thay đổi quyết định xử phạt với 7 học sinh vì nói xấu giáo viên trên nhóm chat facebook khiến nhiều người lo ngại về việc xử lý kỷ luật trong các nhà trường hiện nay.

Phóng viên VietnamPlus đã có trao đổi với thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội, xung quanh vấn đề này.

- Thưa thầy, là người có nhiều năm trên cương vị hiệu trưởng, thầy nghĩ sao về việc kỷ luật học sinh trong các nhà trường?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Trước hết phải nói rằng kỷ luật cũng là hình thức giáo dục. Tuy nhiên, khi kỷ luật, nhà trường phải cân nhắc kỹ, vì việc bị kỷ luật tác động rất lớn đến tâm lý, suy nghĩ, tác động đến việc hình thành nhân cách, thậm chí cả tương lai của các em. Vì thế, kỷ luật trước hết phải có tác dụng giáo dục học sinh vi phạm, và có giáo dục đến cả các học sinh khác nữa, nhưng phải không để cho các em cảm thấy mất đi sự phấn đấu khắc phục sửa chữa của mình.

Điều này cũng rất khó, phụ thuộc vào từng học sinh, mức độ vi phạm, đặc điểm truyền thống nhà trường.

Với vụ việc ở Thanh Hóa, nếu nói xấu thầy cô và nhà trường, tôi nghĩ các em cũng có quyền để nói lên tiếng nói của mình, tất nhiên là nói ở đâu, nói như thế nào?

Việc xúc phạm nhân phẩm thầy cô thì cần xử lý, nhưng xử lý như thế nào còn tùy thuộc nhiều yếu tố, ví dụ thái độ của các em sau khi vi phạm, em có hối lỗi không. Nếu học sinh vẫn có thái độ không nhận thức ra khuyết điểm mà tiếp tục vi phạm tiếp thì cũng cần có hình thức kỷ luật nhưng không đến mức thôi học một năm.

[Giảm hình phạt với nhóm học sinh nói xấu thầy cô trên mạng xã hội]

- Thầy đã từng kỷ luật học sinh nào với hình thức đuổi học một năm chưa? Theo thầy, các hình thức kỷ luật nặng như đuổi học, cảnh cáo toàn trường sẽ tác động thế nào đến học sinh?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Kỷ luật học sinh luôn là điều rất khó khăn. Trong đời làm nghề giáo của mình, tôi cũng đã buộc phải kỷ luật nghỉ học một năm với một học sinh, vì em đó phạm quá nhiều lỗi nặng. Khi đó, tôi mới làm hiệu trưởng nên cũng muốn đưa học sinh vào kỷ luật. Chỉ sau một thời gian nghỉ học, em đó vi phạm nặng, phải đi tù. Tôi rất áy náy, giá mình kiên trì hơn, cố gắng hơn, cách xử lý khác đi thì có thể em đó không phạm lỗi lầm.

Tôi không bao giờ đuổi học một học sinh nào nữa, có chăng chỉ là dọa các em.

Kỷ luật là hình thức giáo dục nhưng trong xã hội dân chủ, chúng ta cũng hướng đến tôn trọng học sinh, nhất là học sinh ngày nay ý thức về tự trọng cá nhân rất lớn.

Đầu năm học vừa qua, tôi cũng có kỷ luật học sinh với hình thức cảnh cáo trước toàn trường. Sau đó, một số học sinh đã lên gặp trực tiếp tôi nói rằng: khi em nghe đọc tên các bạn em cảm thấy rất buồn và cảm giác rất khó tả, tại sao lại như vậy? Em có cảm xúc đó vì em đã được tiếp cận nền giáo dục rất văn minh. Tôi nghĩ các em đã đúng và lần sau, nếu có vụ việc như vậy, tôi cũng không nên làm như thế nữa, đó không phải là cách giáo dục tốt khi để một học sinh cảm thấy bị xấu hổ trước toàn trường. Chúng ta phải hướng tới sự văn minh.

'Nếu học sinh nói xấu, người thầy trước hết phải nhìn lại mình' ảnh 2Thầy Nguyễn Quốc Bình nhảy hiphop trong lễ khai giảng để gần gũi, hòa đồng và hiểu học sinh hơn, từ đó có cách xử lý phù hợp hơn với những vi phạm của các em (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

- Là người gắn bó cả đời với nghề giáo, thầy có từng bị học sinh nói xấu? Khi đó thầy làm thế nào để tiếp nhận điều đó?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Tất nhiên là có, tôi cũng được học sinh góp ý rất nhiều, từ khi là giáo viên, làm hiệu trưởng, đến tận bây giờ tôi vẫn nhận được góp ý của học sinh. Mới tuần trước đây thôi, một học sinh viết cho tôi rằng: thầy là hiệu trưởng nhưng lại to tiếng với học sinh. Tôi ngẫm lại thấy các em nói đúng khi có lần to tiếng vì không kiềm chế được bản thân. Tôi đã nhắn lại với học sinh rằng tôi cảm ơn em đã góp ý và sẽ tiếp thu. Người thầy không thể để sự tức giận làm mình mất kiểm soát.

Cũng có người bảo học sinh nói xấu thầy, nhưng tôi thấy bình thường. Khi các em còn dám nói nghĩa là các em còn tin ở mình. Con người, ai cũng có thiếu sót, người thầy cũng không tránh được. Các em chỉ ra cho mình là điều tốt, mình cần cám ơn.

Thực ra, thầy cô thường nghĩ mình có vị trí nào đấy so với học trò, cho rằng nếu mình có sai thì học sinh cũng không được nói, tức là cho mình quyền được sai.

Tôi nghĩ thầy cô khi nghe thông tin học sinh nói chưa tốt về mình thì trước hết phải bình tĩnh nhìn lại bản thân. Nếu thực sự mình có điểm chưa tốt đó thì mình phải sửa. Nếu thấy không có thì mình cứ sống như thế, thậm chí phải làm tốt hơn, để dần dần các em học sinh nhận ra mình không phải như vậy. Thầy cô không nên đôi co, tranh cãi với học sinh.

[Quy định kỷ luật học sinh: 30 năm vẫn không thay đổi ]

Ngày mới vào nghề, còn trẻ, nghe học sinh nói xấu mình, tôi cũng bức xúc, nhưng khi ngẫm lại thì đúng mình sai thật, sau đó tôi phải tự điều chỉnh hành vi của mình. Khi đó, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn và thấy việc mình vô cớ giận và tìm cách kỷ luật học sinh thực ra là vì cái tôi cá nhân, tính ích kỷ của bản thân, chưa đúng là người thầy. Người thầy cần sự bao dung với học sinh và sự nghiêm khắc với chính mình. Nếu cứ lấy quyền làm thầy cô ra để giáo dục học sinh thì chưa chắc đã thành công, hoặc có thành công thì cũng không thuyết phục lắm.

Tuy nhiên, học sinh thường không dám nói những vấn đề mình chưa hài lòng về thầy cô. Mới đây, tôi có đề nghị các học sinh viết ra những suy nghĩ của mình về các vấn đề ở trường mà không cần ký tên. Các em không viết hoặc có thì cũng rất hời hợt, nhưng lại lập nhóm riêng để nói về vấn đề còn chưa tốt của giáo viên. Khi biết thông tin đó, tôi có gọi các em lên trao đổi rằng các em có ý kiến là rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu trao đổi vấn đề đó với nhà trường.

- Không dám nói những vấn đề mình bức xúc trực tiếp với giáo viên, với ban giám hiệu có lẽ không phải chỉ là thực trạng ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, tỉnh Thanh Hóa, hay ở trường thầy, mà là tình trạng chung ở các nhà trường hiện nay. Khi không thể chia sẻ trực tiếp với thầy cô, nhà trường, các em đương nhiên sẽ phải chia sẻ với nhau để giải tỏa. Theo thầy, đâu là nguyên nhân? Liệu đã có sự dân chủ trong nhà trường?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Trong nhà trường cần có sự dân chủ, tuy nhiên cũng cần trong chừng mực nhất định.

Nhưng đúng là học sinh hiện nay đa phần không dám nói lên vấn đề mình bức xúc ở trường. Đó có lẽ là do cách giáo dục áp đặt của chúng ta khiến học sinh không cởi mởi, không tự tin. Bên cạnh đó, có hiện tượng trù úm nên học sinh mất lòng tin vào thầy cô, nhà trường. Chúng ta không dám chấp nhận sự đa dạng, ý kiến trái chiều mà chỉ muốn áp đặt một chiều thôi.

Bên cạnh đó còn do yếu tố văn hóa, truyền thống...

Hiện trong ngành giáo dục cũng đã bắt đầu có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, để thay đổi điều này thì cần phải cả một quá trình./.


- Xin cảm ơn thầy!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục