Nga chỉ trích báo cáo điều tra về vụ tấn công khí sarin tại Syria

Nga lên tiếng phản đối các kết quả điều tra Cơ chế Điều tra chung (JIM) quy kết trách nhiệm cho Chính phủ Syria trong vụ tấn công khí độc sarin tại thị trấn Khan Sheikhun hồi tháng Tư.
Nga chỉ trích báo cáo điều tra về vụ tấn công khí sarin tại Syria ảnh 1Trẻ em được điều trị tại một bệnh viện ở Khan Sheikhun, tỉnh Idlib ngày 4/4, sau khi có những dấu hiệu nghi phơi nhiễm chất độc sarin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/11, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga lên tiếng phản đối các kết quả điều tra Cơ chế Điều tra chung (JIM) quy kết trách nhiệm cho Chính phủ Syria trong vụ tấn công khí độc sarin tại thị trấn Khan Sheikhun hồi tháng Tư.

Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vladimir Safronkov nêu rõ kết luận của ủy ban điều tra là "vô cùng đáng thất vọng" và cho rằng các nước phương Tây đã tác động vào công tác điều tra để gán tội cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Moskva cho rằng báo cáo trên không đủ tin cậy bởi vì các chuyên gia đã không tới thị sát Khan Sheikhun mà chỉ kiểm tra các mẫu phẩm mà Nga cáo buộc có thể đã bị tình báo phương Tây can thiệp.

Hồi tháng trước, JIM đã công bố một báo cáo cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad gây ra vụ tấn công bằng khí độc Sarin tại thị trấn Khan Sheikhun do phe nổi dậy kiểm soát hồi tháng 4/2017, trong đó có nhiều trẻ em.

Edmond Mulet, người đứng đầu JIM, cho biết các chuyên gia xác định rằng khí sarin được phóng ra từ một cuộc không kích và máy bay của Syria đã có mặt tại khu vực vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.

[Nga phủ quyết kéo dài sứ mệnh điều tra vũ khí hóa học tại Syria]

Các phân tích cũng cho thấy khí sarin sử dụng tại Khan Sheikhun khớp với loại khí độc thần kinh tìm thấy trong kho vũ khí của chính quyền Damascus.

Tuy nhiên, Phó Đại sứ Safronkov cho rằng các hóa chất này "có thể được sản xuất ở bất cứ đâu và được sử dụng có chủ đích để làm tổn hại chính quyền Syria."

Trong số các thành viên của Hội đồng Bảo an, Pháp và Anh ủng hộ báo cáo của JIM trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên sớm đạt đồng thuận trong vấn đề.

Cả Mỹ và Nga đều đang thúc đẩy riêng rẽ các dự thảo về việc kéo dài thời gian hoạt động của JIM.

Nga mong muốn gia hạn thêm 6 tháng thời gian hoạt động của cơ quan này trong khi Washington đề xuất kéo dài thêm 18 tháng.

Cả Washington và Moskva đều chưa đề xuất tiến hành bỏ phiếu về vấn đề này. Các nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc cho biết các bên đang thương lượng và có triển vọng sẽ đạt được đồng thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục