Nguyên nhân thúc đẩy ý tưởng di dời thủ đô của Indonesia

Indonesia từ lâu đã ấp ủ ý tưởng di dời thủ đô Jakarta, một thành phố nằm ở bờ biển phía Tây Bắc của đảo Java thuộc khu vực Đông Nam Á.
Nguyên nhân thúc đẩy ý tưởng di dời thủ đô của Indonesia ảnh 1Cảnh tắc đường ở Jakarta. (Nguồn: AFP)

The Conversation mới đây đăng bài viết "Indonesia có thực sự cần thiết phải di chuyển thủ đô?" trong đó đưa ra một số phân tích, đánh giá tính cần thiết của việc di dời này, từ đó đưa ra câu trả lời đâu là nguyên nhân chính thúc đẩy ý tưởng di dời thủ đô của Indonesia thời gian qua.

Nội dung bài viết như sau:

Indonesia từ lâu đã ấp ủ ý tưởng di dời thủ đô Jakarta, một thành phố nằm ở bờ biển phía Tây Bắc của đảo Java thuộc khu vực Đông Nam Á.

Ý tưởng di dời thủ đô Jakarta đã được khởi xướng từ thời Tổng thống đầu tiên của Indonesia, ông Sukarno, người giành độc lập cho Indonesia từ thực dân Hà Lan vào năm 1945.

Từ đó đến nay, ý tưởng này dường như vẫn luôn tồn tại trong các thế hệ lãnh đạo của Indonesia và nó thực sự được đề cập một cách sôi động hơn sau khi Tổng thống Joko Widodo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Để thúc đẩy quyết tâm biến ý tưởng di dời thủ đô thành hiện thực, thời gian qua, ông Jokowi đã đi thị sát một số địa điểm được cho là khả thi tại Kalimantan, khu vực thuộc chủ quyền lãnh thổ của Indonesia trên đảo Borneo (đảo lớn gồm một phần lãnh thổ của Indonesia, Malaysia và Brunei).

Cơ quan hoạch định phát triển quốc gia Indonesia (Bappenas) cũng thông báo việc nghiên cứu di chuyển thủ đô đã được đưa vào Kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2020-2024.

Lý giải cho việc thúc đẩy ý tưởng di dời thủ đô, Chính phủ Indonesia cho rằng hiện nay Jakarta đang bị quá tải về dân số dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên làm thiệt hại khoảng 56.000 tỷ Rupiah mỗi năm (tương đương 3,8 tỷ USD).

Hơn nữa, việc di chuyển thủ đô sẽ giúp Indonesia rút ngắn khoảng cách phát triển giữa đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta, với các đảo khác.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng Jakarta đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nước tự nhiên, ô nhiễm nặng hay đang dần bị chìm xuống so với mực nước biển do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra…

Chính phủ Indonesia cũng cho rằng thủ đô phải được xây dựng tại một khu vực chuyên biệt và phải là một trung tâm chính trị của quốc gia, tách biệt với các trung tâm thương mại sầm uất giống như Canberra và Sydney của Australia hay Putra Jaya và Kuala Lumpur của Malaysia.

Jakarta là trung tâm kinh tế của cả nước với 70% tổng số lượng giao dịch tiền tệ của quốc gia.

Giới lãnh đạo Indonesia từ lâu đã nuôi tham vọng biến Jakarta thành một trung tâm thương mại toàn cầu.

Để làm được điều này, Jakarta phải là nơi diễn ra các hoạt động thương mại quy mô quốc tế, như là một trung tâm tài chính, điểm đến du lịch toàn cầu, có các văn phòng tổ chức quốc tế và là nơi tổ chức các sự kiện thế giới.

Điều này có thể được nhìn thấy tại các thành phố điển hình trên thế giới như London của Anh, Tokyo của Nhật Bản và Paris của Pháp.

Như vậy, việc di dời thủ đô dường như là một nỗ lực để thoát khỏi những vấn đề trầm trọng cần được giải quyết ngay lập tức mà Jakarta đang phải đối mặt. Nếu không, các hoạt động ở Jakarta sẽ bị tê liệt và làm gián đoạn sự phát triển của nền kinh tế Indonesia.

[Indonesia sẽ quyết định nơi xây dựng thủ đô mới trong năm 2019]

Số liệu thống kê của Cơ quan thống kê quốc gia Indonesia năm 2018 cho thấy hoạt động kinh tế ở Java đã đóng góp 58,48% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia.

Phần phía Đông của Indonesia, bao gồm cả Kalimantan, Sulawesi, Maluku và Papua, chiếm 64% tổng diện tích quốc gia vạn đảo này, nhưng chỉ đóng góp khoảng 16,8% GDP. Con số này không thay đổi trong nhiều năm qua.

Theo lập luận của Chính phủ Indonesia, việc di chuyển thủ đô khỏi Java sẽ hỗ trợ sự phát triển đồng đều ở khu vực phía Đông của Indonesia.

Nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để hỗ trợ việc phát triển ở các khu vực yếu kém của đất nước, Chính phủ cần phân bổ, xây dựng các trung tâm tăng trưởng và tạo ra nhiều môi trường phát triển kinh tế mới cho các khu vực được coi là kém phát triển như các tỉnh miền Đông.

Nếu chỉ thực hiện duy nhất việc di chuyển thủ đô đến khu vực này sẽ không đủ các yếu tố để giúp toàn bộ khu vực phát triển đồng đều.

Mặc dù kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2015-2019 của chính phủ có đề cập các chính sách tạo ra các trung tâm tăng trưởng mới, nhưng cho đến nay chưa ghi nhận một chính sách cụ thể nào được chính phủ thực hiện để hỗ trợ khu vực này.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phân cấp phát triển khu vực có thể góp phần làm giảm nghèo và giảm tình trạng phát triển không đồng đều.

Phân cấp phát triển có thể tạo ra các cực tăng trưởng kinh tế mới như Bantaeng (Nam Sulawesi) và Banyuwangi (Đông Java).

Nhưng trong nỗ lực hỗ trợ các tỉnh thành, chính quyền trung ương thường tiến hành một cách vội vàng và không xem xét sự đa dạng của mỗi vùng miền và các nhu cầu thực sự của từng địa phương.

Giới chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ Indonesia nên tránh lối tư duy tồn tại lâu nay rằng tất cả các vấn đề yếu kém của địa phương chỉ có thể được khắc phục bằng sự hỗ trợ của trung ương.

Lối tư duy này khiến một bộ phận không nhỏ trong giới lãnh đạo Indonesia nghĩ rằng việc di chuyển thủ đô là phương án tốt nhất giúp giải quyết vấn đề phát triển không đồng đều tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng Bappenas đang có vấn đề trong việc công khai, minh bạch các dữ liệu xung quanh ý tưởng di dời thủ đô. Bappenas là cơ quan chính có trách nhiệm đánh giá kế hoạch di chuyển thủ đô, nhưng chưa bao giờ thực sự công khai các nghiên cứu cụ thể, chi tiết về vấn đề này.

Do vậy, dư luận đang đặt câu hỏi tính cấp thiết của việc di dời thủ đô thực chất là gì?

Liệu đây có phải là một nỗ lực để đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề chính trị trong xã hội Indonesia, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử vừa qua?

Trước khi bàn về vị trí phù hợp của thủ đô mới, người dân Indonesia có quyền được biết chắc chắn rằng, quyết định di dời thủ đô được đưa ra trên cơ sở những phân tích toàn diện và có tính thuyết phục cao. Nếu không, Indonesia sẽ có nguy cơ mắc những sai lầm nghiêm trọng khi cố thúc đẩy ý tưởng đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục