Nhạc sỹ Hồ Bắc - tác giả của ca khúc 'Làng tôi' qua đời ở tuổi 92

Những năm cuối đời, nhạc sỹ Hồ Bắc - "cha đẻ" của những ca khúc cách mạng nổi tiếng như "Dáng đứng Việt Nam," "Làng tôi" bị đột quỵ, phải ngồi xe lăn...
Nhạc sỹ Hồ Bắc đã qua đời, hưởng thọ 92 tuổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhạc sỹ Hồ Bắc đã qua đời, hưởng thọ 92 tuổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhạc sỹ Hồ Bắc là tác giả của nhiều ca khúc Cách mạng nổi tiếng, để lại dư âm trong lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ đã qua đời ngày 8/2, hưởng thọ 92 tuổi.

Lễ viếng người nhạc sỹ tài hoa sẽ diễn ra ngày hôm nay (9/2) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 17h45 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ (Hà Nội).

Anh Hồ Nam, con trai thứ hai của nhạc sỹ, cho biết do tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời vào lúc 4h15 sáng 8/2. Những năm cuối đời, ông sống cùng anh Hồ Nam ở Mỹ Đình. Sau cơn đột quỵ ba năm trước, ông phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt do anh Hồ Nam lo liệu. Nhạc sỹ có năm người con, vợ ông qua đời cách đây ba năm.

Nhạc sỹ Hồ Bắc sinh ngày 8/10/1930 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi đã phụ trách đội Thiếu nhi tuyên truyền Cách mạng. Sau đó ông vào bộ đội và là cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần.

Gắn liền với hai cuộc chiến tranh, phần lớn các sáng tác của ông thuộc dòng nhạc đỏ như "Làng tôi" (1949), "Bên kia sông Đuống" (phỏng thơ Hoàng Cầm, 1950), "Gặt tay nhanh" (1952), "Giữ mãi tuổi xuân" (1954), "Giữ biển trời Xô Viết Nghệ An" (1965), "Trên đường Hà Nội" (1966), "Gửi anh chiến sỹ thông tin đảo" (1966), "Sài Gòn quật khởi" (1968), "Bến cảng quê hương tôi" (1970)...

Từ năm 1956, nhạc sỹ Hồ Bắc chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam và làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồ Bắc đã viết một số hợp xướng như "Ca ngợi tổ quốc," "Dáng đứng Việt Nam," "Tổ quốc yêu thương." Ông cũng viết nhạc cho các phim truyện, tài liệu và hoạt hình.

Ngoài công việc sáng tác, Hồ Bắc còn viết lời giới thiệu cho những chương trình ca nhạc, bình giải các tác phẩm âm nhạc, biên dịch gần 500 ca khúc nước ngoài để phát sóng. Ông là ủy viên Hội Văn nghệ Hà Nội (từ khoá I đến khóa IV), nguyên phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Phát thanh Truyền hình. Ông còn tham gia giảng dạy sáng tác.

Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1997) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Trong ấn tượng của đồng nghiệp, nhạc sỹ Hồ Bắc là người hiền lành, khiêm nhường. Sinh thời, nhạc sỹ Huy Du từng nhận xét âm nhạc Hồ Bắc giống con người của ông, nhẹ nhàng và sâu lắng: “Nét nhạc rất riêng, sâu lắng, thấm sâu vào hồn người, trong đó có khá nhiều ca khúc đã đi cùng năm tháng bởi nó được cất cánh từ chính hiện thực sôi động của cuộc sống.”

[Nhạc sỹ Văn Ký và những tác phẩm âm nhạc để đời]

Với ca sỹ Tùng Dương, anh cảm nhận được nhạc sỹ Hồ Bắc là người say mê, nhiệt huyết với âm nhạc. Năm 2013, anh được nhạc sỹ Dương Thụ giao cho thể hiện ca khúc “Bên kia sông Đuống” trong chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi.”Anh đến nhà nhạc sỹ Hồ Bắc để thăm và nghe ông chia sẻ về tác phẩm, lấy tư liệu, cảm hứng để thể hiện.

“Khi gặp mặt, ông say mê phân tích về tác phẩm, vừa có sự hào sảng nhưng rất đỗi da diết. Qua từng lời nói, ánh mắt, tôi cảm nhận ông trân trọng và kỳ vọng nhiều vào tôi. Bởi vậy, bài hát quả là một thử thách với tôi. May mắn, khi đó, tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình,” ca sỹ Tùng Dương chia sẻ.

Nghe tin nhạc sỹ Hồ Bắc qua đời, nghệ sỹ nhân dân Tạ Minh Tâm đã bày tỏ sự thương tiếc và trân trọng với người nhạc sỹ tài hoa và nhiệt huyết với âm nhạc Cách mạng.

Nghệ sỹ, ca sỹ Tạ Minh Tâm là người đã thể hiện rất thành công ca khúc “Tổ quốc yêu thương.” Ông đã chia sẻ bản thu âm ca khúc này trên trang cá nhân của mình:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục