Nhiều quốc gia bắt đầu triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19

Ngày 24/12, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chương trình tiêm vắcxin phòng ngừa COVID-19 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.
(Ảnh: THX/TTXVN)
(Ảnh: THX/TTXVN)

Tại châu Âu, Cộng hòa Séc nằm trong số những quốc gia đầu tiên tiến hành chương trình tiêm phòng COVID-19.

Thủ tướng Séc Ana Brnabic đã tiêm vắcxin do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức sản xuất, nhằm làm tăng lòng tin của người dân vào vắcxin.

Một vài bác sỹ hàng đầu và quan chức cấp cao khác của Séc cũng được tiêm loại vắcxin này.

Các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu chương trình tiêm phòng vào ngày 27/12 tới.

Theo kế hoạch, Séc cũng sẽ sử dụng vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược Sinopharm của Trung Quốc và vắcxin Sputnik V của Nga.

Giới chức Séc cho biết chương trình tiêm chủng đại trà sẽ được thực hiện vào giữa tháng 1/2021 với đối tượng ưu tiên là người cao tuổi, nhân viên y tế và lực lượng an ninh. Dịch COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.800 người ở nước này.

Tại khu vực Trung Đông, Kuwait đã bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 và Thủ tướng nước này Sheikh Sabah Al-Khalid Al-Sabah là người đầu tiên được tiêm vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech.

Ông cho biết loại vắcxin này an toàn và đã được nhiều nước cấp phép sử dụng. Kuwait đã tiến hành chương trình tiêm chủng hàng loạt sau khi tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên gồm 150.000 liều một ngày trước đó.

Trước đó, Qatar, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia đã tiến hành chương trình tiêm phòng COVID-19. Oman sẽ bắt đầu chương trình tiêm phòng vào ngày 27/12.

[Tình hình nghiên cứu và phân phối vắcxin COVID-19 trên thế giới]

Tại Mỹ Latinh, Chile và Costa Rica theo kế hoạch sẽ bắt đầu chương trình tiêm phòng vào ngày 24/12.

Như vậy, hai nước này cùng với Mexico sẽ là những nước đầu tiên ở Mỹ Latinh tiến hành chương trình tiêm chủng hàng loạt phòng ngừa bệnh COVID-19.

Tại Chile, chuyến bay chở 10.000 liều vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech đã tới sân bay Santiago vào sáng 24/12.

Các nhân viên y tế đến từ 4 vùng của Chile sẽ là những đối tượng ưu tiên được tiêm vắcxin này trong ngày 24/12.

Tổng thống Chile Sebastian Pinera cho biết nước này bảo đảm được 30 triệu liều vắcxin của 3 hãng sản xuất, đủ để tiêm cho 15 triệu dân, chiếm hơn 2/3 dân số nước này trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong khi đó, Costa Rica đã tiếp nhận lô đầu tiên gồm 9.750 liều vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech vào chiều 23/12 và sẽ tiến hành tiêm chủng từ ngày 24/12.

Tuần trước, Costa Rica thông báo đã phê chuẩn sử dụng vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech và các nhân viên y tế và người cao tuổi là đối tượng đầu tiên được tiêm vắcxin này.

Còn Argentina dự kiến sẽ tiếp nhận 25 triệu liều vắcxin Sputnik V của Nga trong ngày 24/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục