Những mùa Đông giá lạnh và nụ cười ấm áp xứ Bạch Dương

Ký ức hiện về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt dịch giả Thúy Toàn những câu chuyện về một thời thanh niên sôi nổi gắn bó với đất nước và con người Nga.
Những mùa Đông giá lạnh và nụ cười ấm áp xứ Bạch Dương ảnh 1Phong cảnh nên thơ của rừng Taiga (Nga). (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những ký ức về những năm tháng sống, học tập và gắn bó với đất nước, con người Nga vẫn vẹn nguyên trong tâm trí dịch giả Thúy Toàn.

Ký ức hiện về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt ông những câu chuyện, kỷ niệm của một thời thanh niên sôi nổi với hình ảnh con đường tít tắp, những cánh rừng taiga ngút ngàn, mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, lạ lẫm và những con người cởi mở, chân thành…

- Dịch giả Thúy Toàn thuộc thế hệ những du học sinh Việt Nam đầu tiên được cử sang Liên bang Xô viết học tập vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Khi đó, cảm xúc của ông có gì đặc biệt không, thưa dịch giả?

Dịch giả Thúy Toàn: Từ nhỏ, tôi đã đi học xa gia đình. Bởi vậy, dù đặt chân đến bất cứ miền đất nào, tôi luôn mang theo nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.

Vào khoảng năm 1950, tôi lên Việt Bắc theo học Trường thiếu sinh quân; để rồi, bốn năm sau đó, khi mới là một cậu thanh niên 16 tuổi, tôi cùng hơn 90 bạn trẻ khác được cử sang Nga học tập.

Khi nhận được quyết định, trong tôi trào lên cảm xúc rất khó diễn tả thành lời - vừa xốn xang, vui sướng, hãnh diện, tự hào lại vừa pha chút bùi ngùi, lo lắng.

- Sự pha trộn của nhiều cung bậc cảm xúc ấy bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

Dịch giả Thúy Toàn: Trong thời gian học tại Trường thiếu sinh quân Việt Bắc, tôi đã được tiếp xúc với nhiều tài liệu học tập cũng như những bản dịch văn học Nga. Với thế hệ chúng tôi, những câu chuyện về nước Nga khi ấy vừa lạ vừa quen.

Cách mạng tháng Mười Nga làm rung chuyển thế giới, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử, trên diện tích bằng 1/6 địa cầu, những người lao động đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới.

[Nhà lưu niệm tư nhân đầu tiên về Văn học Nga ở Việt Nam]

Cách mạng tháng Mười Nga cũng có ảnh hưởng to lớn tới cách mạng tháng Tám của Việt Nam. Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong bầu không khí sục sôi ấy.

Trong khi đất nước Nga, nhân dân Nga đang xây dựng cuộc sống mới và đạt được những thành tựu đáng kể thì nhân dân Việt Nam vẫn đang “căng mình” trong hành trình “sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa” để giành lấy, bảo vệ độc lập dân tộc. Đời sống nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn trăm bề…

Thắng lợi của cách mạng tháng Mười, những thành quả mà nước Nga Xô viết đạt được… đã truyền nguồn cảm hứng lớn đến những thế hệ tôi.

Có thể nói, với những thanh niên Việt Nam thời kỳ ấy, nước Nga như một thiên đường. Chúng tôi hình dung về cuộc sống, con người nơi ấy bằng sự ngưỡng vọng và luôn ước ao Việt Nam cũng sẽ sớm được như thế.

Những mùa Đông giá lạnh và nụ cười ấm áp xứ Bạch Dương ảnh 2Dịch giả Thúy Toàn thuộc thế hệ những du học sinh Việt Nam đầu tiên được cử sang Nga học tập. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

- Khi đặt chân đến xứ sở Bạch Dương, ấn tượng của ông về đất và người nơi ấy thế nào, thưa dịch giả Thúy Toàn?

Dịch giả Thúy Toàn: Thiên nhiên Nga rất đẹp và con người Nga rất hồn hậu, cởi mở. Tôi đặc biệt thích mùa Đông nước Nga với những con đường trải dài tít tắp, núi đồi trập trùng phủ màu tuyết trắng - một vẻ đẹp hoang sơ nhưng không hề lạnh lẽo, xa cách.

Tôi đã đặt chân đến nhiều nơi nhưng có lẽ, không ở đâu, con người sống hồn hậu, cởi mở và nhiệt tình như ở xứ Bạch Dương. Từ người nông dân đến anh trí thức, từ cậu học sinh bác công nhân… đều có tinh thần lạc quan, yêu đời. Họ vừa làm việc vừa ca hát. Tiếng hát vang vọng trên những cánh đồng, khu vườn…

Thế nhưng, không phải vừa làm vừa hát mà người Nga buông lơi công việc đâu nhé! Họ làm hết sức và “chơi” hết mình. Những lời ca, tiếng hát ấy cũng khiến những người con xa xứ như chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn, cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà và sự xa cách.

Đặc biệt, người Nga dành cho những du học sinh Việt Nam chúng tôi một tình cảm nồng ấm đặc biệt. Khi đến thăm những gia đình người Nga, chúng tôi thường được đón tiếp bằng bánh mì và muối. Thông thường, người Nga chỉ tiếp khách quý bằng bánh mì và muối. Những vật phẩm ấy thể hiện sự quý trọng, yêu mến đối với khách.

Trên khắp xứ sở Bạch Dương, nhiều người phụ nữ Nga tự nhận mình là những bà mẹ nuôi của du học sinh Việt Nam, sẵn sàng giúp đỡ khi những người con xa xứ như chúng tôi gặp khó khăn.

Chúng tôi khá bất ngờ khi người Nga biết khá nhiều về lịch sử cũng như phong trào đấu tranh giành độc lập của Việt Nam dù hai nước cách xa nhau nửa vòng Trái Đất và thời ấy, công nghệ thông tin cũng chưa phát triển như bây giờ.

Trong khuôn viên trường học hay khi đi dạo trên phố, chúng tôi luôn nhận được những cái vẫy tay, nụ cười niềm nở và ánh nhìn thân thiện của bạn bè Nga. Sinh viên Nga tổ chức nhiều buổi trò chuyện về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Những mùa Đông giá lạnh và nụ cười ấm áp xứ Bạch Dương ảnh 3Pháo đài Brest - biểu tượng của lòng dũng cảm kiên cường của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

- Khó khăn lớn nhất mà những du học sinh Việt Nam thế hệ ông khi ấy gặp phải là gì, thưa dịch giả?

Dịch giả Thúy Toàn: Một trong những khó khăn mà thời gian đầu đến Nga chúng tôi gặp phải là rào cản về ngôn ngữ. Chúng tôi phải học tiếng Nga qua một thứ tiếng trung gian khác - tiếng Pháp hoặc tiếng Trung.

Thế nhưng, càng trải qua nhiều khó khăn, chúng tôi càng cảm nhận được sự chân tình của các thầy cô, bạn bè Nga. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cô Sofia Korchikova - một chuyên gia trong lĩnh vực Ngôn ngữ học.

Học trò mới sang chưa nghe-nói được nhiều bằng tiếng Nga, cô giáo lại không biết tiếng Việt - quả là tình huống khó khăn! Để chúng tôi tiếp cận được bài học, cô đã phải minh họa cụ thể bằng những động tác cơ thể… Trên bục giảng, cô như một diễn viên biến hóa liên tục.

- Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn sinh năm 1938 tại Từ Sơn, Bắc Ninh.

Năm 1961, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lenin tại Moscow. Từ đó đến nay, ông gắn bó với công việc dịch thuật, đặc biệt là việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt.

Dịch giả Thúy Toàn đã in hơn 60 đầu sách và ông được ví là người bắc nhịp cầu văn học Việt-Nga.

Ngày 23/5/2015, Nhà lưu niệm “Văn học Nga ở Việt Nam” tư nhân đầu tiên tại Việt Nam chính thức khánh thành. Đây là công trình do dịch giả Thúy Toàn dày công sưu tập tài liệu và xây dựng, thể hiện tâm huyết một đời của ông với văn học và văn hóa Nga.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục