Những người thầy miệt mài gieo con chữ “nơi cùng trời” Kể Cả

Được mệnh danh là "nơi cùng trời" bởi sự hẻo lánh, không điện lưới, không điện thoại, điểm trường Kể Cả may mắn có 6 thầy giáo ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ cho những đứa trẻ Mông.
Những người thầy miệt mài gieo con chữ “nơi cùng trời” Kể Cả ảnh 1Điểm trường Kể Cả là điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Bản Kể Cả của xã Chế Tạo là “nơi cùng trời” của huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đây cũng là ngã ba giữa ba tỉnh Yên Bái-Sơn La-Lai Châu.

Từ trung tâm xã, để đến được bản này phải mất gần hai giờ đi xe máy, qua khoảng 20km đường dốc uốn lượn quanh co, sương mù dày đặc, đường đi cũng chỉ vừa một chiếc xe máy, nhiều đoạn đi qua cầu, suối, leo dốc khúc khuỷu.

Ở “nơi cùng trời” này, cách xa trung tâm huyện Mù Cang Chải gần 60km, các hộ dân sinh sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, không chỉ giao thông đi lại khó khăn mà nơi đây còn không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại.

Với sự nghiệp "trồng người" cao cả, sáu thầy giáo, trong đó có bốn thầy giáo người Mông tại điểm trường lẻ Kể Cả của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Chế Tạo, vẫn kiên trì bám bản để dạy từng con chữ cho con em đồng bào dân tộc Mông.

Nằm dưới chân núi cao, giữa những cánh rừng xanh bạt ngàn là điểm trường Kể Cả, điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của Yên Bái. Đây là nơi ăn ở và học tập của 104 học sinh dân tộc Mông của 3 bản Kể Cả, Háng Tày và Pú Vá của xã Chế Tạo.

Mặc dù nằm khá biệt lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các phòng học, phòng ở vẫn chủ yếu là nhà gỗ, nhà lắp ghép được làm từ nhiều năm nay, đã xuống cấp nhưng hàng ngày các tiết học vẫn diễn ra đều đặn.

Vượt qua những khó khăn chồng chất của một điểm trường xa xôi và khó khăn nhất Yên Bái, thầy và trò điểm trường Kể Cả vẫn luôn say sưa dạy và học.

Thầy giáo Giàng A Giống, một trong bốn thầy giáo người Mông, nhà ở bản Háng Tày cách điểm trường 4km, là thầy giáo có thời gian gắn bó với điểm trường này đã hơn 10 năm.

Sinh ra và lớn lên tại đây, và cũng từng được học những chữ cái đầu tiên tại điểm trường này nên thầy Giàng A Giống thấu hiểu những thiệt thòi của học sinh nơi đây. Bằng sự quyết tâm của mình, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Giàng A Giống đã phấn đấu học tập và trở thành thầy giáo.

Năm 2011, thầy Giàng A Giống tình nguyện xin về công tác, gắn bó với nơi đây để dạy chữ, truyền đạt kiến thức cho con em đồng bào mình với ước muốn giản dị là những thế hệ sau sẽ có nhiều tiến bộ, cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Chia sẻ về nhiệm vụ của mình, thầy giáo Giàng A Giống cho biết: “Mặc dù có muôn vàn khó khăn khi công tác tại đây, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cùng nỗ lực cố gắng để vượt qua, với mong ước giản dị là được gieo con chữ cho con em đồng bào mình càng nhiều càng tốt. Trước đây, cũng có nhiều thầy cô giáo ở dưới xuôi nên công tác được một thời gian rồi được chuyển địa bàn, còn chúng tôi là người địa phương nên dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ trồng người nơi vùng xa xôi hẻo lánh này.”

Thầy giáo Đinh Huy Dũng từng công tác tại một xã thuận lợi hơn nhưng khi được điều động, bố trí vào công tác tại đây, thầy đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Năm học 2021-2022 là năm thứ 3, thầy Đinh Huy Dũng gắn bó với điểm trường xa xôi, khó khăn nhất này.

Khắc phục khó khăn, nỗi trống vắng khi phải xa gia đình, xa vợ con, hàng ngày thầy Dũng miệt mài truyền đạt kiến thức cho con em đồng bào Mông nơi đây.

Thầy giáo Đinh Huy Dũng tâm sự: “Đến công tác tại một điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh, bản thân tôi luôn phải xác định tinh thần phải yêu nghề, mến trẻ, cố gắng tận tụy, hết mình với công việc, lấy niềm vui được gieo vần những con chữ cho con em đồng bào dân tộc mình để vượt qua nỗi nhớ xa gia đình, xa vợ con.”

[Người thầy với ngọn lửa đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học]

Điểm trường Kể Cả được thành lập từ tháng 9/1996, theo thời gian, đã có hàng trăm lượt giáo viên đến công tác, cống hiến và chuyển đi nơi khác. Là điểm trường khó khăn về giao thông đi lại, thiếu thốn về cơ sở vật chất và hạ tầng nên hầu hết những giáo viên được cử đến đây công tác đều là thầy giáo.

Đối với nhiều người, quãng thời gian được làm việc tại điểm trường Kể Cả là quãng thời gian có cả niềm vui và nỗi buồn.

Những người thầy miệt mài gieo con chữ “nơi cùng trời” Kể Cả ảnh 2Thầy và trò điểm trường Kể Cả trong một tiết học, tỷ lệ học sinh chuyên cần của điểm trường luôn đạt từ 98 đến 100%. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Bên cạnh những người thầy vì khó khăn, thiếu thốn ở nơi này nên xin chuyển công tác, thôi việc, vẫn còn những người thầy sẵn sàng nhận nhiệm vụ, kiên trì bám trường, bám bản để dạy từng con chữ cho học sinh.

Với đặc thù là học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 còn khá nhỏ lại ăn ở và học tập tại trường nên để dạy bảo các em vào nề nếp trong sinh hoạt, ăn ở vệ sinh, các thầy giáo luôn phải kiên trì như những người mẹ thực sự.

Những đóng góp thầm lặng của các thầy được thể hiện qua sự tin tưởng của phụ huynh học sinh và tỷ lệ chuyên cần luôn đạt cao trong mỗi buổi học.

Trưởng bản Kể Cả Sùng A Ký cho biết, các thầy luôn nỗ lực hết mình, vượt qua muôn vàn khó khăn để hoàn thành xuất sắc công việc.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là giảng dạy, các thầy cũng là những người luôn quan tâm, giúp đỡ cả cuộc sống, sinh hoạt đời thường của học sinh. Chính vì thế, các thầy luôn được người dân và học sinh luôn yêu mến, phụ huynh tin tưởng giao con cho các thầy chăm sóc, giảng dạy.

Những cống hiến thầm lặng của những người thầy nơi điểm trường Kể Cả đã được minh chứng thể hiện qua chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên, từ chỗ những học sinh ở điểm trường này chủ yếu là học sinh trung bình, lực học yếu, đến nay số học sinh đạt loại khá trở lên chiếm gần 30%, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 98-100%, tỷ lệ học sinh bỏ học không còn.

Bên cạnh đó, nhiều thế hệ học sinh học tập tại đây đã trưởng thành, có cuộc sống thành đạt, ổn định và đang làm việc, cống hiến tại nhiều nơi.

Thầy giáo Phạm Tiến Quảng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Chế Tạo cho biết, nhà trường thường xuyên động viên tinh thần các thầy vượt qua gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy của mình.

Cùng với đó, nhà trường quan tâm đến việc điều chuyển giáo viên từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ và ngược lại; tôn trọng những nguyện vọng của giáo viên muốn ở lại cống hiến thêm tại điểm trường lẻ hoặc muốn chuyển về điểm trường chính.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường với chủ trương động viên tinh thần và tư tưởng của các thầy là chính, giao cho các thầy tập trung rèn luyện kỹ năng, năng lực của học sinh...

Những thầy cô giáo đang hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp "trồng người" ở vùng cao là những tấm gương đáng quý và trân trọng của ngành Giáo dục.

Một con đường thuận lợi, có điện lưới quốc gia và sóng điện thoại vẫn đang là những hy vọng... để phần nào vơi bớt những khó khăn của người dân và những người thầy “nơi cùng trời” Kể Cả./.

Điểm trường Kể Cả là điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Điểm trường Kể Cả là điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Các cháu học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả luôn hăng say học tập trong từng tiết học. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Các cháu học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả luôn hăng say học tập trong từng tiết học. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Các em học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) luôn say sưa học bài trong từng tiết học. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Các em học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) luôn say sưa học bài trong từng tiết học. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Các thầy giáo tại điểm trường Kể Cả vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn để miệt mài truyền đạt những con chữ, kiến thức cho học sinh con em đồng bào Mông nơi đây. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Các thầy giáo tại điểm trường Kể Cả vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn để miệt mài truyền đạt những con chữ, kiến thức cho học sinh con em đồng bào Mông nơi đây. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Một buổi sinh hoạt ngoài trời của các cháu học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Một buổi sinh hoạt ngoài trời của các cháu học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Thầy và trò điểm trường Kể Cả trong một tiết học, tỷ lệ học sinh chuyên cần của điểm trường luôn đạt từ 98 đến 100%. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Thầy và trò điểm trường Kể Cả trong một tiết học, tỷ lệ học sinh chuyên cần của điểm trường luôn đạt từ 98 đến 100%. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Niềm vui của các cháu học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)
Niềm vui của các cháu học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Kể Cả của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục