Những thách thức đối ngoại lớn nhất đón chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hãng tin AP đã đưa ra dự báo về 3 thách thức đối ngoại hàng đầu đang đón chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm 2020, trong đó có vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến tại Afghanistan, căng thẳng với Iran.
Những thách thức đối ngoại lớn nhất đón chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 1Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề đối ngoại trong năm 2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bước vào năm mới 2020 với những thách thức chính sách đối ngoại đầy khó khăn, bao gồm việc quân đội Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến dài nhất lịch sử tại Afghanistan hay chính quyền Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó là những căng thẳng âm ỉ với Iran, mâu thuẫn với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với châu Âu và nhiều đồng minh phương Tây truyền thống.

Hãng tin AP mới đây đã đưa ra dự báo về 3 thách thức đối ngoại hàng đầu đang đón chờ Tổng thống Trump ngay khi bước sang năm 2020.

1, Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều chệch hướng.

Mỹ vẫn đang theo dõi sát sao Triều Tiên để đề phòng những tín hiệu về một vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân. Một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay thử nghiệm hạt nhân dù lớn nhỏ cũng có thể làm xói mòn nghiêm trọng tiến trình đàm phán ngoại giao mà ông Trump đã mở ra với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ năm 2018.

Vài ngày trước, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ gửi một "món quà Giáng sinh" nếu Mỹ không đáp ứng thời hạn chót phải nhượng bộ để khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ. Washington không chấp nhận "tối hậu thư" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, song Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun khẳng định cánh cửa đối thoại Mỹ-Triều vẫn rộng mở, cho rằng những hành vi khiêu khích hoàn toàn “không có lợi cho việc đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.

2, Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang.

Căng thẳng với nước cộng hòa Hồi giáo ngày càng gia tăng từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Ngay sau đó, ông Trump phát động chiến dịch “gây áp lực tối đa”, tái áp đặt các đòn trừng phạt và gia tăng sức ép đối với nền kinh tế Iran.

Mục tiêu của Tổng thống Trump là buộc Iran phải đàm phán lại một thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ, trong khi các cường quốc khác vẫn duy trì cam kết đối với JCPOA. Để đáp trả, Iran đã không ngừng tìm cách gây bất ổn khu vực với những động thái như tấn công các mục tiêu tại Saudi Arabia, cản trở tàu thương mại đi qua Eo biển Hormuz, bắn hạ 1 máy bay không người lái của Mỹ và cung cấp tài chính cho các nhóm phiến quân.

Từ tháng 5/2019, gần 14.000 nhân sự Mỹ đã được điều động tới khu vực vùng Vịnh ngăn chặn các toan tính của Tehran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố các chuyên gia hạt nhân trong nước đang thử nghiệm một mẫu máy ly tâm tân tiến mới. Iran gần đây cũng bắt đầu gia tăng kho chứa urani và nước nặng vướt giới hạn quy định trong JCPOA, đồng thời tiến hành các biện pháp làm giàu urani hơn mức cho phép.

Những vi phạm của Tehran được cho là nhằm gây áp lực buộc các thành viên còn lại trong JCPOA là Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga đưa ra các biện pháp kinh tế để giúp Iran chống đỡ đòn trừng phạt từ Mỹ. Đầu tháng 12 vừa qua, Mỹ và Iran đã đạt một bước đột phá ngoại giao với vụ trao trả học giả người Mỹ gốc Hoa Xiyue Wang (từng bị giới chức Tehran giam giữ suốt 3 năm) để đổi lấy một nhà khoa học Iran bị Mỹ giam giữ.

Tổng thống Trump cho rằng hoạt động trao đổi này có thể là “tiền đề cho những tiến triển sắp tới”. Trong khi đó Iran tuyên bố kế hoạch trao đổi tù nhân có thể sẽ được mở rộng, song sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Tehran và Washington.

Những thách thức đối ngoại lớn nhất đón chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 2Mỹ và Iran vẫn tiếp tục căng thẳng trong vấn đề hạt nhân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

3, Cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan.

Tổng thống Donald Trump muốn Mỹ chấm dứt những sự can dự tại Afghanistan, song những người chỉ trích đều lo ngại về khả năng Washington có thể quá nhượng bộ Taliban cũng như hoài nghi khả năng lực lượng này sẽ tuân thủ thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến.

Ngày 29/12 vừa qua, các thủ lĩnh Taliban đã chấp thuận lệnh ngừng bắn trên cả nước, song không nói rõ thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ thời điểm nào và kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, một lệnh ngừng bắn có thể sẽ tạo tiền đề cho việc thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và Mỹ, giúp Tổng thống Trump có thêm lý do để đưa quân đội trở về nước sau 18 năm tham chiến ở Afghanistan.

Mỹ muốn mọi thỏa thuận đạt được đều phải bao gồm cam kết của Taliban về việc không để Afghanistan trở thành căn cứ địa cho các nhóm khủng bố. Một phần then chốt trong thỏa thuận là việc Taliban đồng ý tham gia các cuộc đàm phán đa phương tại Afghanistan để quyết định tương lai thời hậu chiến của quốc gia này.

Nếu diễn ra thì các cuộc đàm phán này chắc chắn sẽ không đơn giản và còn đụng chạm tới nhiều vấn đề nổi cộm như quyền lợi của phụ nữ, quyền tự do ngôn luận hay những thay đổi trong Hiến pháp Afghanistan. Số phận hàng chục nghìn tay súng Taliban và lực lượng vũ trang được các thủ lĩnh phe phái trong nước cai trị sau khi Taliban mất quyền lực năm 2001 cũng sẽ là vấn đề hóc búa cần giải quyết.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, người từng rời chính quyền Trump vì phản đối quyết định rút quân khỏi Syria, luôn cho rằng Taliban là lực lượng không đáng tin. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết Tổng thống Trump sẽ sớm công bố kế hoạch cắt giảm lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Theo ông Graham, sang năm 2020, Tổng thống Trump sẽ giảm quân số từ 12.000 xuống còn 8.600 người, con số mà ông cho là đủ để đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành bàn đạp cho các nhóm khủng bố./.

Những thách thức đối ngoại lớn nhất đón chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh 3Tổng thống Trump dự kiến sẽ sớm cắt giảm quân số tại Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục