Những tranh cãi về động cơ xả súng hàng loạt tại Mỹ

Không phải tất cả các hung thủ xả súng đều có vấn đề sức khỏe tâm thần, hoặc từng chơi các trò chơi video bạo lực, có mối hận thù chính trị mà căn nguyên là sở hữu súng quá dễ dàng.
Tổng Thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington D.C của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng Thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington D.C của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/8 đã cho rằng hai vụ xả súng hàng loạt khiến 31 người thiệt mạng ở bang Ohio và bang Texas hồi cuối tuần có mối liên hệ rõ rệt đến tâm lý thù địch, các trò chơi video đẫm chất bạo lực và bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, với 255 vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ kể từ đầu năm đến nay - theo số liệu thống kê của Gun Violence Archive, các nhà phân tích cho rằng những yếu tố nêu trên không giải thích được cho tất cả tình trạng bạo lực này.

Không phải tất cả các hung thủ xả súng đều có vấn đề sức khỏe tâm thần, hoặc từng chơi các trò chơi video bạo lực, hoặc có mối hận thù chính trị.

Theo giới phân tích, căn nguyên của tình trạng này tựu trung ở một yếu tố: đó là sở hữu súng quá dễ dàng.

Tổng thống Trump kêu gọi: "Chúng ta phải ngăn chặn sự tôn vinh của bạo lực trong xã hội. Trong số này bao gồm các trò chơi video tàn ác và ghê rợn hiện đang phổ biến."

Thực tế, sột số hung thủ xả súng gần đây được xác định đã chơi và bị ám ảnh bởi các trò chơi video bạo lực.

[Hơn 1 vụ xả súng hàng loạt mỗi ngày - bức tranh u tối của nước Mỹ]

Adam Lanza - kẻ đã sát hại 26 học sinh và nhân viên làm việc tại trường Tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut vào năm 2012, đã dành hàng giờ mỗi ngày để chơi các trò chơi video thuộc loại bạo lực nhất thế giới, trong đó có cả trò chơi mang tên "School Schooting."

Nikolas Cruz - hung thủ đã sát hại 17 người tại trường Trung học Marjory Stoneman Douglas ở bang Florida năm 2018, được cho là đã chơi các trò chơi video bạo lực tới 15 giờ/ngày. 

Tuy nhiên, giáo sư tâm lý Chris Ferguson thuộc Đại học Stetson - người đã nghiên cứu vấn đề này, lại khẳng định không có mối liên hệ nào giữa việc chơi game và các cuộc tấn công thực sự.

Ông viện dẫn ví dụ về hàng trăm triệu người trên khắp thế giới chơi các game bắn súng như "Fortnite" và "Call of Duty" nhưng họ không biến thành những kẻ giết người hàng loạt.

Trong một phát biểu trên Twitter, ông cho biết: "Các trò chơi video bạo lực không góp phần vào các vụ xả súng hàng loạt... Ở mức độ nào đó, nó còn có thể gây tác hại do khiến mọi người mất tập trung khỏi các nguyên nhân thực sự của bạo lực."

Trong một nghiên cứu khác, Hiệp hội Tâm lý Mỹ cũng đã phát hiện mối liên hệ giữa các trò chơi và phim có nội dung bạo lực cùng xu hướng gây gổ ngày càng tăng ở trẻ em, nhưng cho rằng đó mới chỉ là yếu tố "nguy cơ."

Ở khía cạnh khác, Tổng thống Trump cũng cáo buộc các vụ xả súng có liên quan "những cá nhân bị khủng hoảng tinh thần" và theo đó, những người có vấn đề về tâm lý không nên tiếp cận súng.

Ông nói: "Bệnh tâm thần và lòng hận thù đã bóp cò - chứ không phải khẩu súng."

Cựu sỹ quan Thủy quân lục chiến Ian David Long, 28 tuổi, người đã cướp đi sinh mạng 12 người tại một quán bar nhạc đồng quê ở California vào tháng 11/2018, được cho là mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Những tranh cãi về động cơ xả súng hàng loạt tại Mỹ ảnh 1Chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ xả súng ở Dayton, bang Ohio của Mỹ ngày 4/8 vừa qua. (Ảnh: AP/TTXVN)

Connor Betts - hung thủ 24 tuổi đã giết 9 người tại một quán bar ở Ohio ngày 4/8, cũng cho thấy có xu hướng nguy hiểm khi còn học trung học. Và Cruz - kẻ tấn công trường trung học Florida, có tiền sử các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Ông Jeffrey Swanson, giáo sư tâm thần học tại Đại học Y khoa Duke, cho rằng: "Trên phương diện nhất định, nếu một người nào đó đi ra ngoài và tàn sát một nhóm người lạ, đó không phải là hành động của một tâm trí lành mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết nước Mỹ đang có 10 triệu người mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng "và phần lớn trong số họ không tham gia các hành vi bạo lực."

Trong khi đó, hầu hết các hung thủ xả súng "không có các bệnh tâm thần nghiêm trọng có thể nhận dạng như tâm thần phân liệt, làm suy yếu khả năng suy luận hoặc nhìn thấy thực tế hoặc rối loạn lưỡng cực của não."

Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân phổ biến trong tất cả các cuộc tấn công nêu trên đó là sự dễ dàng có được súng có mức độ sát thương hàng loạt cao.

Stephen Paddock, hung thủ đã sát hại 58 người và làm bị thương hàng trăm người khác tại một buổi hòa nhạc ở Las Vegas năm 2017, rõ ràng không bị bệnh tâm thần, cũng không bị kích động ý thức hệ hay từng là một game thủ.

Tên này sử dụng hơn 20 khẩu súng, chủ yếu là súng trường tấn công kiểu AR-15. Trong khi đó, Robert Bowers - thủ phạm sát hại 11 người tại một giáo đường Pennsylvania vào tháng 10/2018 - đã mang theo 4 khẩu súng trong vụ tấn công, trong khi sở hữu hợp pháp tổng cộng 21 khẩu súng.

Và Connor Betts thực hiện vụ xả súng tại quán bar ở Ohio ngày 4/8 vừa qua với một khẩu súng trường tấn công mà tên này đặt mua trực tuyến từ Texas. Khẩu súng này được trang bị ổ đạn chứa tới 100 viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục