Nữ sinh mang khát vọng đổi đời cho cộng đồng dân tộc K’Ho

Nhi cho hay, kế hoạch tương lai của cô là thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa cộng đồng dân tộc thiểu số với các cộng đồng khác ở Việt Nam.
Nhi (mặc áo đỏ) cùng các bạn trong nhóm đến thăm một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Di Linh. (Ảnh: PV)
Nhi (mặc áo đỏ) cùng các bạn trong nhóm đến thăm một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Di Linh. (Ảnh: PV)

Lớn lên ở Lâm Đồng, nơi dân tộc thiểu số K’Ho chiếm khoảng 15% dân số, từ thời thơ bé, Nguyễn Mỹ Nhi đã mong muốn hỗ trợ nhóm cộng đồng này.

“Em nhận thấy hầu hết đồng bào dân tộc K’Ho đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì tỷ lệ mù chữ và bỏ học cao,” Nhi chia sẻ.

Từ khát vọng đổi thay cho người K’Ho

Khát vọng thay đổi cuộc sống cho người dân K’Ho đã thôi thúc Nhi cùng bảy nữ sinh Trường Trung học cơ sở Tam Bố (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) thành lập nhóm “Vì kỹ năng sống tốt hơn của học sinh đồng bào dân tộc K’Ho” vào đầu năm nay.

Thầy Trương Văn Thanh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tam Bố, vẫn nhớ như in lần đầu tiên Nhi chủ động gặp và trao đổi về mong muốn thành lập nhóm với thành viên là các nữ sinh từ trường của mình.

“Cô gái 18 tuổi đó nói với tôi rằng em mong muốn đóng góp cho cộng đồng dân tộc thiểu số, không chỉ bằng vật chất, mà còn qua việc nâng cao kỹ năng mềm, cũng như phát triển nhận thức về xã hội và môi trường cho nữ sinh thuộc nhóm dân tộc này. Đây là lần đầu tiên học sinh dân tộc thiểu số tại trường tôi có cơ hội tham gia vào các hoạt động cộng đồng ngoài trường. Các em tự tin hơn, tạo dựng quan hệ với người khác nhanh chóng hơn, cũng như xây dựng được tinh thần đoàn kết tương ái,” thầy Thanh chia sẻ.

Nữ sinh mang khát vọng đổi đời cho cộng đồng dân tộc K’Ho ảnh 1Nguyễn Mỹ Nhi (mặc áo đỏ) cùng nhóm “Vì kỹ năng sống tốt hơn của học sinh đồng bào dân tộc K’Ho”. (Ảnh: PV)

Nói về quyết định này của mình, Nhi cho hay, chế độ mẫu hệ vẫn được duy trì mạnh mẽ trong cộng đồng K’Ho nên phụ nữ vẫn giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Họ có toàn quyền quyết định mọi việc quan trọng lớn nhỏ trong nhà trong khi vẫn phải tự đảm đương việc nội trợ.

[Đã tìm được đại diện Việt Nam dự thi Khám phá khoa học số ASEAN 2020]

“Nhóm chúng em muốn giúp đỡ nữ sinh dân tộc K’Ho vượt qua áp lực và nỗi sợ dễ bị tổn thương do thuộc cộng đồng thiểu số để các em có thể phát triển cả về mặt cá nhân và nghề nghiệp. Khi thực hiện điều này, chúng em hy vọng chính họ có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ lại cộng đồng mình,” Nhi nói.

Với nhiệt huyết và năng lực lãnh đạo truyền cảm của cô bạn, nhóm đã quyên góp được 40 triệu đồng, nâng cao nhận thức về trách nhiệm môi trường, đồng thời phối hợp với nhiều tổ chức khác để giúp đỡ những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.

... đến học bổng toàn phần Đại học RMIT

Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, nhờ thông minh và chăm chỉ học tập, suốt thời phổ thông Nhi còn là nữ sinh có học lực nổi trội luôn đứng đầu lớp, giành nhiều giải thưởng học tập danh giá khi theo học chuyên Pháp và trong nhiều cuộc thi quốc gia.

Với thành tích học tập tốt và những nỗ lực, tinh thần vì cộng đồng, mới đây, Nguyễn Mỹ Nhi đã được Đại học RMIT chọn trao học bổng toàn phần. Đây là học bổng được trao cho ứng viên có thành tích học tập xuất sắc và năng lực lãnh đạo vượt trội trong suốt quá trình học phổ thông trung học. Ngành được Nhi chọn học là Kinh doanh (Kinh tế và Tài chính). Nhi tin rằng ngành học này sẽ là công cụ cần thiết để phát triển đam mê.

Nữ sinh mang khát vọng đổi đời cho cộng đồng dân tộc K’Ho ảnh 2Nhóm đã giúp đỡ cộng đồng K’Ho tại thôn Đăng Srôn, xã Ninh Gia, dọn sạch một con mương nhỏ để tránh nước tù đọng. (Ảnh: PV)

“Em muốn có được tấm bằng kinh doanh và dùng kiến thức của mình để kết nối đồng bào K’Ho với mạng lưới kinh doanh rộng lớn hơn để họ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Em tin bản thân sẽ được trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng chuyên môn và trải nghiệm thực tiễn để thực hiện ước mơ. Kỹ năng lãnh đạo, truyền thông, lập kế hoạch và quản trị của em cũng sẽ được phát triển và nâng cao,” Nhi chia sẻ.

Dù sẽ bắt đầu hành trình tại RMIT vào học kỳ này, Nhi cho hay sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt nhóm của mình và kỳ vọng tạo ra tác động lớn hơn trong cộng đồng nhờ những kết nối mà cô bạn sẽ tạo dựng được trong thời gian học tại RMIT.

Kế hoạch tương lai của cô là thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa cộng đồng dân tộc thiểu số với các cộng đồng khác ở Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục