Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và giấc mơ chinh phục thế giới càphê

Theo ông Vũ, dù thế giới thích uống Arabica với lượng caffeine chiếm 1,5% thành phần, họ nên thử qua Robusta với lượng caffeine 2,5%.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và giấc mơ chinh phục thế giới càphê ảnh 1Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Nguồn: AFP)
Càphê Robusta của Việt Nam có vị đắng, không được nhiều người dùng thế giới đón nhận và càphê thường chỉ được xuất khẩu dưới dạng hạt thô. Nhưng ông chủ tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đang ôm giấc mộng chinh phục thế giới bằng loại càphê “đậm đà” này, như chia sẻ của ông với AFP.
"Việt Nam là một hiện tượng kinh ngạc"
Phần lớn các nông dân trồng càphê Việt Nam chưa từng nghe thấy cụm từ càphê “skinny latte,” nhưng họ có thể nói cho bạn biết rõ giá càphê hạt, vốn đã theo chân họ vào trong giấc ngủ. Từ việc áp dụng hệ thống tưới tiêu do Israel cung cấp cho tới việc nhận tin nhắn cập nhật giá càphê toàn cầu, hoạt động trồng càphê ở Tây Nguyên của Việt Nam đã tiến một bước dài từ thời thực dân Pháp lần đầu mang hạt càphê tới đây cách nay hơn 1 thế kỷ. "Tôi thường chở càphê tới chợ bằng xe đạp" - nông dân Ama Diem, 44 tuổi, cho biết - "Giờ tôi kiểm tra giá càphê ngay trên điện thoại". Thông qua việc nhắn tin "CA" tới số 8288 từ bất kỳ chiếc điện thoại di động nào ở Việt Nam, nông dân lập tức nhận được một tin nhắn thông báo giá càphê Robusta ở London và giá càphê Arabica tại thị trường New York từ một công ty cung cấp dữ liệu. Nông dân biết rõ rằng giá càphê, loại hàng hóa được buôn bán nhiều thứ hai thế giới chỉ sau dầu lửa, có thể dao động rất nhanh. "Chúng tôi chỉ đưa càphê tới chợ khi chắc chắn sẽ có giá cao" - Diem nói với AFP tại nông trường của ông ở thủ đô càphê Buôn Ma Thuột - "Chúng tôi rất hay kiểm tra giá càphê". Các nông dân càphê Việt Nam đã thay đổi thị trường toàn cầu. Nếu bạn uống một cốc càphê trong sáng nay, nhiều khả năng bạn đang tiêu thụ vài hạt càphê Việt Nam, thông qua các công ty như Nestle hay Costa Coffee của Anh. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đi từ chỗ cung cấp chưa đầy 0,1% càphê cho thế giới trong năm 1980 lên mức 13% trong năm 2000. Đây là một mức tăng trưởng ấn tượng, có được một phần nhờ sự sụp đổ giá càphê toàn cầu trong những năm 1990.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và giấc mơ chinh phục thế giới càphê ảnh 2
Việt Nam hiện là nước sản xuất càphê lớn thứ hai thế giới (Nguồn: AFP)
Việt Nam giờ là nước sản xuất càphê lớn thứ 2 thế giới, nhưng lại chỉ đứng ở nhóm đầu về sản lượng thay vì chất lượng. Loại càphê Robusta của Việt Nam có vị đắng không được nhiều người dùng thế giới đón nhận và càphê thường chỉ được xuất khẩu dưới dạng hạt thô. Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất càphê ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao. "Việt Nam là một hiện tượng kinh ngạc" - Jonathan Clark, tổng giám đốc công ty xuất khẩu càphê Dakman nhận xét. Ông nói rằng hoạt động xuất khẩu tăng vọt trong năm ngoái tới chỗ gần bằng đối thủ Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu càphê hàng đầu thế giới. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 1,73 triệu tấn càphê, trị giá khoảng 3,67 tỷ USD và chiếm hơn 50% lượng càphê Robusta của thế giới, vốn được sử dụng trong càphê uống liền và các loại càphê pha trộn khác. Theo Clark, hoạt động tiêu thụ càphê ở châu Á đang tăng lên và các nhà chế biến càphê đang hướng tới Việt Nam, nơi gần như không đánh thuế lên hoạt động xuất khẩu càphê, để thiết lập hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Cuộc chiến “Trung Nguyên vs Starbuck” Theo Jinlong Wang, chủ tịch công ty Starbucks Asia Pacific, trong khi hoạt động tiêu thụ càphê đang ì ạch ở phương Tây thì Việt Nam, với một tầng lớp trung lưu đang tăng lên và nơi đây có tình yêu càphê kéo dài, lại chứa các cơ hội khổng lồ. Starbucks, công ty mới mở cửa hàng đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 2 vừa qua, nói rằng họ sẽ mở thêm hàng trăm cửa hàng khác trong tương lai gần ở Việt Nam. Công ty đánh giá Việt Nam là thị trường "năng động, thú vị". Các vùng đất đỏ có nguồn gốc từ dung nham núi lửa ở Việt Nam rất hợp với việc trồng càphê. Theo "vua càphê" Việt Nam Đặng Lê Nguyên Vũ, dù thế giới thích uống càphê Arabica với lượng caffeine chiếm 1,5% thành phần,  họ nên thử qua loại càphê Robusta với lượng caffeine là 2,5%. Vị sáng lập viên tập đoàn càphê Trung Nguyên của Việt Nam, với 55 cửa hàng ở trong nước và 5 ở Singapore, rất đam mê với việc đẩy mạnh càphê Robusta của Việt Nam ra thế giới. "Robusta không phải loại càphê có chất lượng thấp hơn. Chỉ đơn giản là trên toàn cầu, người ta đã quen với việc uống càphê Arabica" - ông Vũ nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn tại Buôn Ma Thuột.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và giấc mơ chinh phục thế giới càphê ảnh 3
Một nông dân trồng càphê tìm hiểu máy rang xay tại Lễ hội Càphê Buôn Mê Thuột tháng trước
(Nguồn: AFP)
Một phần lớn trong hoạt động của công ty hiện là tăng chất lượng của các hạt càphê địa phương, thông qua việc hợp tác với các nông dân để lắp đặt hệ thống tưới tiêu công nghệ cao, giảm lượng thuốc trừ sâu được sử dụng và giúp làm tăng thu nhập của nông dân. Trung Nguyên hiện đã xuất khẩu sản phẩm sang 60 nước và Vũ nói rằng việc Starbucks xuất hiện ở Việt Nam đã làm tăng quyết tâm của ông trong việc mở các quán càphê tại Mỹ, nhằm mang tới cho người dùng cơ hội thưởng thức loại càphê pha phin có vị đậm và mạnh truyền thống của Việt Nam. "Chúng tôi phải vượt qua được Starbucks. Chúng tôi phải mang tới thứ gì đó hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng Mỹ" - ông Vũ nói - "Tôi muốn thế giới hiểu rằng càphê Việt Nam là loại càphê ngon nhất, sạch nhất và đặc biệt nhất"./.
Linh Vũ/lược dịch (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục