"Phản công nhanh" thịnh hành tại World Cup 2010

Tại World Cup 2010, nhiều đội bóng đã sử dụng chiến thuật phản công nhanh như một vũ khí hủy diệt để đạt mục tiêu tiến vào vòng trong.
Trong việc tìm kiếm một chiến thuật tối ưu, các ứng cử viên sáng giá và một vài đội bóng gây bất ngờ lớn tại World Cup 2010 đã sử dụng chiến thuật phản công nhanh như một vũ khí hủy diệt để tiến vào vòng tứ kết.

Hầu hết giới hâm mộ túc cầu đang mong đợi hai trận đấu hấp dẫn Argentina-Đức, và Brazil-Hà Lan, trong khi đó, những fan trung lập sẽ quay sang ủng hộ Urugoay, Paraguay hoặc Ghana, niềm hy vọng của châu Phi.

Tại ngày hội bóng đá thế giới năm nay ở Nam Phi, sau 48 trận cầu tại vòng bảng, hiệu số bàn thắng trung bình trong mỗi trận đạt 2,15 và tại vòng 16 hiệu số trên đã lên đến gần 3 bàn/trận.

Trên đường leo lên đỉnh vinh quang đã có nhiều đội bóng, trong đó có Anh và Mexico, phải chịu bất công do các sai lầm nghiêm trọng của trọng tài, điều mà đã ngay lập tức gây tranh cãi về việc sử dụng kỹ thuật trong bóng đá và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Joseph Blatter đã phải nói lời xin lỗi.

Sau vòng bảng có thể nói là buồn tẻ với việc cả đương kim vô địch Italy và á quân Pháp xách vali về nước cùng nỗi hổ thẹn, người hâm mộ bóng đá toàn cầu phần nào cảm thấy thỏa mãn với màn trình diễn của các đội bóng tham dự vòng 1/16. Brazil, trên đường chinh phục cúp bóng đá thế giới lần thứ 6, đã tỏa sáng với một chiến thắng ấn tượng 3-0 trước người láng giềng Nam Mỹ là Chile.

Với một hàng phòng ngự chơi chắc chắn và đầy kỷ luật phía sau, các cầu thủ Brazil đã thể hiện hoàn hảo chiến thuật phòng ngự phản công dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên Dunga.

Cựu tiền đạo Brazil Tostao, vô địch World Cup 1970, đã đánh giá: "Brazil, một đội bóng trước đó luôn thể hiện lối chơi tấn công mạnh mẽ, bây giờ đã trở thành một đội bóng chơi phòng ngự phản công vô cùng hiệu quả."

Theo ông, bóng đá Brazil được ngưỡng mộ trên toàn thế giới bởi những đường ban chuyền, phối hợp ngắn và làm chủ trái bóng không tồn tại nữa, thay vào đó là những đường chuyền dài và phản công nhanh.”

Các đội bóng còn lại lọt vào vòng tứ kết là Đức, Hà Lan, Argentina, Paraguay và Uruguay cũng đều có những bàn thắng quan trọng nhờ lối chơi phản công nhanh, chỉ trừ trường hợp của Tây Ban Nha là đội vẫn giữ lối chơi ban chuyền ngắn. Và có thể nhận định chung rằng chiến thuật phản công nhanh đã trở thành bản sắc của World Cup 2010./.

Việt Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục