Cùng với tháp Eiffel và nhà thờ Sacre Coeur, quán rượu Moulin Rouge cũng là niềm tự hào của người dân Paris. Quán kỷ niệm 125 năm ngày thành lập vào 6/10. So với tuổi của mình, Moulin Rouge vẫn giữ nguyên được vẻ trang nhã từ xưa đến nay.
Moulin Rouge là biểu tượng ở trung tâm khu đèn đỏ Pigalle của thủ đô Paris hoa lệ, là nơi thu hút rất nhiều du khách. Với bề ngoài như một chiếc cối xay gió rực rỡ, quán rượu này đã trở thành bất tử qua bút vẽ của danh họa Toulouse-Lautrec và gần đây là bộ phim với diễn viên Nicole Kidman của đạo diễn Baz Luhrmann.
Vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, Moulin Rouge luôn kín chỗ gần như mỗi đêm. 365 đêm một năm, 7 ngày một tuần, 2 buổi diễn kéo dài 2 tiếng mỗi đêm, quán mở cửa cho mọi du khách cũng như người địa phương.
Những con số thống kê về Moulin Rouge cũng vô cùng ấn tượng so với độ tuổi: tỷ lệ kín chỗ là 97%, 600.000 khách một năm với 450 nhân viên và tạo ra nguồn doanh thu hàng năm lên đến 65 triệu euro (81 triệu USD).
Bị thu hút bởi yếu tố lịch sử cũng như sự hấp dẫn của đội ngũ vũ công với 60 cô gái Doriss, khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới cũng đổ xô về đây, đứng đầu là người Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Những người này đều đến để thưởng thức rượu sâm-banh nổi tiếng (tiêu thụ 240.000 chai một năm, lớn nhất tại Pháp không tính các cửa hàng bán lẻ) cũng như tìm hiểu về lịch sử nơi đây (các danh nhân Edith Piaf, Liza Minnelli và Frank Sinatra cũng đã từng đặt chân đến đây).
Các Doriss nổi tiếng trong quá khứ như La Goulue và Nini Pattes cũng ảnh hưởng tích cực đến sân khấu của Moulin Rouge hiện nay, nơi thu hút được những cô gái đến từ 14 quốc gia khác nhau.
Yêu cầu cho các cô gái Dorris cũng cực kì cao: Mỗi cô phải cao ít nhất 1.75 m và từng học qua khóa học vũ công chuyên nghiệp.
Đối tác của họ trên sân khấu, các chàng Dorris cũng phải cao ít nhất là 1.85 m, yêu cầu tương tự với những diễn viên nhào lộn và nghệ sỹ tung hứng.
Phòng trang phục tại đây cũng vô cùng phong phú với 800 đôi giầy và 1000 bộ áo lông.
Một vài lần trong năm, hàng trăm phụ nữ trẻ tìm đến thử vai tại Moulin Rouge với hy vọng được trở thành một phần trong lịch sử nơi đây. Tuy nhiên rất ít người được lựa chọn dưới sự giám sát nghiêm khắc của vũ công ballet nổi tiếng Janet Pharaoh.
Kể từ lúc mở cửa năm 1889, Moulin Rouge đã được chào đón nhiệt liệt. Hàng nghìn người dân Paris kéo đi xem các vũ công thực hiện buổi diễn của mình, thứ sau này trở nên nổi tiếng với tên gọi "French can-can."
Chỉ trong vòng một năm, chương trình biểu diễn này đã thu hút được khách mời hoàng gia đầu tiên, hoàng tử xứ Wales, Edward VII. Vị hoàng tử yêu thích tiệc tùng này vô cùng thích thú với vũ công nổi tiếng La Goulue.
Tương truyền rằng cô gái đã kêu lên cho vị khách hoàng gia ngay giữa buổi diễn: " Ôi, mừng sâm-banh cho Wales".
Đây cũng là nơi diễn ra "Bal des Quat'z'arts," một vở kịch táo bạo về nữ hoàng Cleopatra. Trong đoạn cao trào là cảnh bốn người đàn ông khiêng một người phụ nữ khỏa thân vào sàn diễn. Bao quanh họ là những cô gái cũng khỏa thân khác "nằm uể oải trên gường bằng hoa," theo trang web của vở kịch.
Những người không thể cưỡng lại sự quyến rũ của Moulin Rouge bao gồm cả các huyền thoại nổi tiếng như Salvador Dali, Ringo Starr, George Michael và Elton John. Ngay cả "nhà vua" Elvis Presley cũng thường xuyên lui tới Paris để ghé nơi này.
Quán rươu đã trở thành một nét văn hóa nổi tiếng của Pháp, không chỉ trong phim của Luhrmann năm 2001 mà trước đó cũng từng xuất hiện trong phiên bản của đạo diễn John Huston năm 1952, với diễn viên chính là Zsa Zsa Gabor.
Các vũ công của Moulin Rouge cũng đang nắm giữ hai kỷ lục thế giới vô cùng ấn tượng, theo sách Guinness.
Vào năm 2010, 30 vũ công biểu diễn 720 cú đá trong vòng 30 giây, giữ kỷ lục thế giới mới.
Đoàn kịch của Moulin Rouge cũng giữ kỷ lục nhảy múa liên tục nhiều nhất trong vòng 30 giây, 62 lần với 30 vũ công.
"Moulin Rouge lấy sức mạnh từ lịch sử, từ lối sống Bohemian của Belle Epoque, từ "French can-can" nổi tiếng, từ các nghệ sỹ đến với nơi đây từ xưa đến nay," chủ sở hữu hiện tại của quán rượu, Jean-Jacques Clerico chia sẻ với AFP./.