Quảng Ninh trồng mới 1.800ha cây rừng gỗ lớn bản địa

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ có diện tích trồng rừng gỗ lớn gần 12.900ha; trong đó, có gần 9.000ha rừng trồng và trên 3.800ha rừng chuyển hóa.
Quảng Ninh trồng mới 1.800ha cây rừng gỗ lớn bản địa ảnh 1Cán bộ, chiến sỹ lực lượng Vũ trang thành phố Móng Cái trồng cây giổi trên địa bàn xã Vạn Ninh. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh Vũ Duy Văn cho biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh trồng được gần 1.800ha cây rừng gỗ lớn bản địa (lim, dổi, lát...), đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đưa ra.

Để phát triển lâm nghiệp bền vững, ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có diện tích trồng rừng gỗ lớn gần 12.900ha; trong đó, có gần 9.000ha rừng trồng và trên 3.800ha rừng chuyển hóa.

Năm nay, từ tháng Bảy cho đến hết tháng Chín là khung thời vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tranh thủ thời tiết thuận lợi mưa nhiều, người dân các địa phương đã tích cực thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Dự kiến, hết tháng Chín sẽ hoàn thành và vượt mức kế hoạch 2.000ha mà Tỉnh ủy đề ra.

Hiện người dân ở huyện Ba Chẽ và thành phố Hạ Long khi đăng ký trồng rừng gỗ lớn sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha; vay vốn lãi suất thấp, không quá 20 triệu đồng/ha.

Dự kiến, trong kỳ họp cuối năm, Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ xem xét việc thông qua mở rộng điều chỉnh phạm vi, đối tượng hỗ trợ kinh phí mua cây giống trên phạm vi toàn tỉnh để thu hút người dân tham gia vào chương trình nhiều hơn.

Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng cây gỗ lớn, từ đầu năm nay, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, tiến hành mô hình trồng rừng phù hợp, chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ tại chỗ, phát huy vai trò cấp xã trong nắm bắt hiện trạng đất trồng rừng; thường xuyên đánh giá và tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai trồng rừng, nhất là những vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, tập trung nhiều ở địa bàn huyện Ba Chẽ và thành phố Hạ Long.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ba Chẽ cho hay huyện đã thành lập tổ tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; hướng dẫn chủ rừng triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ trồng rừng và tiếp tục tập trung vận động các đơn vị ủng hộ cây giống thực hiện trồng rừng kịp thời vụ hè thu đến hết tháng 9/2022.

Bên cạnh đó, huyện Ba Chẽ phối hợp với đơn vị cung cấp cây giống cho các hộ, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu tham gia trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, huyện đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn; thực hiện chủ trương “lấy ngắn nuôi dài” giúp người dân có nguồn thu trước mắt yên tâm canh tác.

Với cách làm này, đến ngày 24/8, huyện Ba Chẽ đã trồng rừng tập trung được 3.258/3.300ha, đạt 98,8% kế hoạch; trong đó, riêng diện tích cây gỗ lớn bản địa là 853,6/660ha, đạt 129,3% kế hoạch. Dự kiến đến ngày 30/9 sẽ hoàn thành kế hoạch trồng 660ha rừng gỗ lớn.

Chương trình trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Ninh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, đơn vị vào cuộc hỗ trợ tiền, cây giống cho người dân. Theo ước tính đã đã gần 50 cơ quan, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ kinh phí hỗ trợ các địa phương trồng rừng gỗ lớn.

Cụ thể như Tập đoàn Sun Group hỗ trợ cây giống trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh trị giá 5 tỷ đồng cho 11 địa phương, đơn vị với 400ha; Tập đoàn Amata hỗ trợ thành phố Móng Cái trồng 10ha rừng gỗ lớn tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn; Tổ hợp khu công nghiệp Deep C (thị xã Quảng Yên) đã hỗ trợ huyện Tiên Yên cây giống dổi, lát trị giá 300 triệu đồng; Chi đoàn Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với Huyện Đoàn Hải Hà tổ chức phát động, vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn tham gia trồng được gần 4.000 cây lim, dổi dọc tuyến đường vành đai biên giới đơn vị phụ trách quản lý, bảo vệ tại các cột mốc biên giới…

Phát triển trồng rừng cây gỗ lớn lim, giổi, lát, sồi ở Quảng Ninh là chương trình được kỳ vọng mang lại “lợi ích kép“ vừa nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, giảm nghèo bền vững, vừa góp phần điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh.”

Quảng Ninh kỳ vọng với cách làm bài bản, khoa học và đồng bộ các nội dung, giải pháp và sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp sẽ mục tiêu hoàn thành vừa vượt mức kế hoạch trồng mới 2.000ha rừng cây gỗ lớn trong năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục