Thứ Hai vừa qua, Bộ nội vụ của Saudi Arabia thông báo có 5 người ngoại quốc đã bị kết tội sát hại rồi cướp tài sản của một lính canh người Ấn Độ tại lãnh thổ nước này, do đó đã bị xử tử bằng cách chặt đầu.
Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ quyền con người khu vực bán đảo Arab về vụ việc, 5 người gồm Khaled Fetini và Ibrahim Nasser tới từ Yemen, Hassan Omar tới từ cộng hòa Chad, Salem Idriss tới từ Eritrea, và Abdel Wahhab Abdel Maeen tới từ Sudan đều đã bị chém đầu.
Vụ hành quyết xảy ra tại thành phố Jeddah bên bờ biển Đỏ. Sau khi bị chặt đầu, thi thể những người này “còn bị treo lên trực thăng bay quanh thành phố để tất cả mọi người đều nhìn thấy”.
Vụ chặt đầu 5 người nói trên đã nâng tổng số người bị xử tử bằng phương pháp dã man này ở Saudi Arabia trong 5 tháng đầu năm 2015 lên 78 người. Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên tiếng chỉ trích tốc độ hành quyết tăng đột biến của Saudi Arabia khi so sánh với con số 87 người bị chém đầu tại đây trong cả năm 2014.
Trong khi đó, chính quyền Saudi Arabia vẫn duy trì quan điểm rằng hình phạt này là cần thiết để “duy trì an ninh và công lý”. Các tội danh như hiếp dâm, giết người, buôn lậu thuốc phiện, cướp có vũ trang, và phản lại tôn giáo, theo luật định, đều sẽ bị xử chặt đầu.
Hồi tháng 3 vừa qua, tòa án hình sự Saudi Arabia đã đề nghị xử lại vụ án một blogger theo chủ nghĩa vô thần xúc phạm đạo Hồi trên mạng và nhận án tù giam cùng 1000 roi.
Nếu xử lại, án phạt dành cho blogger này có thể là tử hình. Đầu tháng 5 này, bộ Nội vụ cũng đã thông báo hành quyết 3 người mang quốc tịch Saudi Arabia vì tội giết người và “buôn lậu một lượng lớn thuốc amphetamine."
Việc ghi hình các buổi xử tử cũng bị chính phủ Saudi Arabia nghiêm cấm. Một nhà hoạt động xã hội từng công bố đoạn video buổi hành quyết hồi tháng 1 vừa qua đã bị bắt và đưa ra xét xử.
Theo tổ chức Ân xá quốc tế, số án tử hình đã được thi hành tại Saudi Arabia đứng thứ ba thế giới. Năm 2014, số án tử hình của Saudi Arabia là 289, bằng với Iran, trong khi Trung Quốc đứng thứ nhất với con số ước tính lên đến hàng nghìn. Đứng thứ tư và thứ năm lần lượt là Iraq và Mỹ./.
Quân đội các nước Arab triển khai lực lượng quốc phòng chung
Lực lượng quân đội chung của các quốc gia Liên đoàn Arab (AL) nhằm đối phó với các lực lượng thánh chiến Hồi giáo, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.