Theo kênh truyền hình Al Arabiya, Chính phủ Syria và các phái đoàn của phe đối lập nước này ngày 26/1 đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở vùng nông thôn Đông Ghouta của thủ đô Damascus, khu vực hiện do phiến quân chiếm giữ.
Sự đồng thuận này đạt được trong cuộc đàm phán về tình hình Syria diễn ra tại Vienna (Áo).
Gọi đây là một bước đột phá, kênh truyền hình Al Arabiya cho biết các phái đoàn hai bên đã nhất trí rằng lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào nửa đêm 27/1, qua đó chấm dứt 2 tháng leo thang căng thẳng giữa các lực lượng Chính phủ Syria và phiến quân ở khu vực Đông Ghouta.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí về việc chuyển viện trợ nhân đạo vào các khu vực bị bao vây và trao đổi những người bị bắt. Tuy nhiên, hiện chưa có bình luận từ phía chính quyền Damascus về lệnh ngừng bắn này.
Cuộc hòa đàm mới do Liên hợp quốc làm trung gian giữa Chính phủ Syria và phe đối lập đã bắt đầu diễn ra tại Vienna từ hôm 25/1, vài ngày trước khi Nga, đồng minh thân cận của Syria, dự kiến tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi nhằm tìm lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài 7 năm nay tại Syria.
Các vòng hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ trước đó, thường diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), đạt được ít tiến triển sau khi các lực lượng Chính phủ Syria do Nga và Iran hậu thuẫn liên tiếp giành được chiến thắng trên thực địa và giải phóng nhiều khu vực của đất nước từ tay các nhóm khủng bố và phiến quân.
Vòng đối thoại mới kéo dài 2 ngày nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến bản hiến pháp mới, sau khi các vòng hòa đàm trước đã thảo luận về các cuộc bầu cử mới, cải tổ bộ máy quản lý và cuộc chiến chống khủng bố.
Trong khi đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tổ chức 8 cuộc đàm phán về Syria tại Astana (Kazakhstan) trong năm 2017 và đã đạt nhiều kết quả khả quan, như nhất trí về các vùng "giảm xung đột" ở miền Tây Syria, nơi cả 3 nước này có ảnh hưởng khá lớn.
Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi dự kiến diễn ra tại trong 2 ngày 29 - 30/1 tới. Hiện Nga đã bắt đầu mời các cường quốc và các nước lớn ở khu vực tới dự.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ tin tưởng tất cả các bên ở Syria có thể đạt được sự hiểu biết, cũng như nhận thức chung về tiến trình cải cách hiến pháp và các cuộc bầu cử do Liên hợp quốc giám sát, nếu họ cam kết tuân thủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phe đối lập Syria hiện chưa quyết định có tham gia Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi hay không, nhưng trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Nasr Hariri đánh giá cuộc đàm phán tới sẽ là "phép thử cho cam kết của tất cả các bên" đối với một giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự.
Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người di tản sang nhiều nước khác. Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong cảnh rất khó khăn và nguy hiểm./.