Tác động của thỏa thuận sơ bộ nâng trần nợ của Mỹ với các thị trường

Thỏa thuận sơ bộ nâng trần nợ sẽ thúc đẩy một số lĩnh vực bị tụt lại phía sau trong đợt khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ trong năm nay, như các loại cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Tác động của thỏa thuận sơ bộ nâng trần nợ của Mỹ với các thị trường ảnh 1Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới đầu tư toàn cầu đang lần lượt đưa ra các dự đoán về tác động của thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ của Mỹ đối với các thị trường, trong bối cảnh các nghị sỹ đang nỗ lực để thỏa thuận này được Quốc hội thông qua trước thời hạn 5/6.

Sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27/5.

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong hai năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số các dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Dự luật cũng bao gồm quyết định cấp hơn 886 tỷ USD cho ngân sách an ninh trong năm tài chính 2024 và hơn 703 tỷ USD trong hạng mục chi phí an ninh trong cùng năm. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng 1% chi tiêu an ninh trong tài khóa 2025.

Thỏa thuận trên sẽ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ và thúc đẩy tâm lý ưa rủi ro nói chung của giới đầu tư, đồng thời thúc đẩy một số lĩnh vực bị tụt lại phía sau trong đợt khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ trong năm nay, như các loại cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn thận trọng về tác động của những cắt giảm chi tiêu được đề xuất trong thỏa thuận đối với đà tăng trưởng kinh tế Mỹ. Cùng lúc đó, quá trình đàm phán để tránh nguy cơ vỡ nợ sẽ đe dọa xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 24/5 đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ.

[Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc hội thông qua thỏa thuận về nợ công]

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang chuẩn bị cho những biến động có thể xảy ra với trái phiếu chính phủ của Mỹ, vì Bộ Tài chính Mỹ được dự đoán sẽ nhanh chóng làm đầy ngân khố bằng cách phát hành trái phiếu khi trần nợ công được nâng lên. Việc này có thể “rút” hàng trăm tỷ USD từ thị trường.

Ông Bob Stark, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu của công ty quản lý tài chính Kyriba, cho rằng dù thỏa thuận trần nợ công của Nhà Trắng là tin tốt lành, nhưng Chính phủ Mỹ vẫn còn vấn đề về dòng tiền và thời gian là yếu tố tiên quyết trong việc thông qua thỏa thuận nói trên. Ông nhận định thỏa thuận trần nợ này chỉ là “bước đi đầu tiên” trong quá trình cứu Chính phủ Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã điều chỉnh dự báo về thời hạn chót để nâng giới hạn nợ liên bang, cho rằng Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 5/6, thay vì ngày 1/6 đưa ra trước đó.

Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với số ghế 222-213, trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với số ghế 51-49. Khoảng cách mong manh này đồng nghĩa để được thông qua, dự luật trên cần nhận được sự ủng hộ của những nghị sỹ có quan điểm ôn hòa từ cả hai phía./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục