Tăng đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phát triển y tế cơ sở

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị cấp bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất y tế, đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến cơ sở, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.
Tăng đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phát triển y tế cơ sở ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi bệnh nhân và người dân đến khám và điều trị tại Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Các cấp bộ, ngành, địa phương cần tích cực tham gia vào các chương trình chung của Bộ Y tế để nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của y tế cơ sở; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất y tế, đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến cơ sở, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo như vậy tại Hội nghị quốc tế "Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân" do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới, Liên minh châu Âu và Ngân hàng thế giới tổ chức diễn ra trong hai ngày 24-25/3 tại thành phố Huế.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện cả nước đã có gần 11.000 trạm y tế xã với hàng trăm ngàn cán bộ y tế công tác. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên hệ thống y tế cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về sự chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng ngày càng cao. Chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở ở nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đầu tư cho y tế cơ sở cả về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận và đưa ra các giải pháp đột phá, hiệu quả cho việc xây dựng y tế cơ sở về các mặt: nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ nhằm đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tiến tới xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Bên cạnh đó, các đại biểu quốc tế đến từ Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... đã chia sẻ những kinh nghiệm trong cải cách y tế, củng cố và tăng cường mạng lưới y tế cơ sở; tăng cường sự gắn kết của cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu...

Ông Takeshi Kasai - Giám đốc Quản lý chương trình, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Á-Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực y tế nhờ mạng lưới y tế cơ sở mạnh. Tuy nhiên tình hình liên quan đến y tế đang thay đổi như già hóa dân số, nhu cầu đa dạng và yêu cầu đối với dịch vụ y tế của người dân cao hơn vì vậy cần thiết phải có hệ thống y tế mới.

Theo ông Takeshi Kasai, việc đổi mới mạng lưới y tế cơ sở không phải là một quá trình tách biệt mà cần phải đi cùng với việc thiết kế toàn hệ thống y tế. Thay đổi cách tiếp cận, lấy con người làm trọng tâm, tổ chức dịch vụ y tế dựa trên nhu cầu của người dân, trong đó chú trọng vào vùng sâu, vùng xa vùng khó tiếp cận; tăng cường công tác dự phòng và tuyên truyền sức khỏe; đẩy mạnh triển khai kế hoạch, các hành động chiến lược đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nền y tế của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, không chỉ mạng lưới y tế bao phủ đến nhân dân, đến từng thôn, bản mà ngay trong lĩnh vực kỹ thuật cao, y tế chuyên sâu chúng ta cũng có những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên nền y tế nói chung và y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa còn nhiều bất cập. Vì vậy, ngành y tế cần tiếp tục xây dựng, đổi mới các chính sách để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Việc đổi mới phải dựa trên nguyên tắc căn bản xây dựng nền y tế dân tộc, khoa học và đại chúng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp với những cán bộ công tác tại tuyến y tế cơ sở; thúc đẩy việc luân chuyển cán bộ để tạo cơ hội nắm bắt thực tiễn, học tập và phát triển tay nghề. Các địa phương đẩy mạnh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, bao phủ sức khỏe toàn dân, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục