Tăng trưởng kinh tế không chỉ là vấn đề về tài chính

Tài chính đang "chèo lái" đẩy con thuyền tăng trưởng, nhưng việc có nhiều điều tưởng là tốt lại làm cạn ý tưởng thông minh của kinh tế.
Theo phát hiện khiến không ít người giật mình của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tài chính đang "chèo lái" đẩy con thuyền tăng trưởng kinh tế, nhưng việc (xuất phát từ tài chính mà) có quá nhiều điều tưởng là tốt lại làm vơi cạn huyết mạch, bộ não và những ý tưởng thông minh của nền kinh tế.

Hơn nữa, các nền kinh tế tiên tiến đang cồng kềnh quá khổ và ôm đồm quá nhiều dịch vụ tài chính.

Các nhà kinh tế của BIS lưu ý rằng nếu "tài chính tốt cho tăng trưởng", thì tại sao chúng ta lại không cùng làm việc dỡ bỏ các rào cản để thúc đẩy tăng trưởng tài chính. Họ giải thích rằng giống như một người ăn quá nhiều dễ bị khó tiêu hóa, hệ thống tài chính quá lớn có thể lại cản trở đà tăng trưởng của các khu vực khác của nền kinh tế.

Để trả lời cho câu hỏi trên, các nhà kinh tế đưa ra hai kết luận. Thứ nhất, nền kinh tế có quy mô tài chính quá lớn cũng không phải điều tốt. Ở mức thấp, sự gia tăng về quy mô của khu vực tài chính sẽ thúc đẩy mức tăng sản lượng. Nhưng sẽ tới một điểm mà nhiều nền kinh tế tiên tiến đã vượt qua từ lâu là nhiều ngân hàng và nhiều khoản tín dụng đi kèm với tăng trưởng yếu hơn.

Các phân tích của họ cho thấy khi tín dụng tư nhân tăng tới một điểm lớn hơn GDP, nó sẽ kéo mức tăng sản lượng đi xuống. Khi lĩnh vực tài chính chi phối trên 3,5% tổng việc làm của nền kinh tế, sự phát triển mạnh hơn nữa của khu vực tài chính có chiều hướng gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, các nhà kinh tế còn nêu lên điểm ngoặt, theo đó khi số người trong lĩnh vực tài chính vượt mức 3,9% tổng số việc làm, quy mô của khu vực tài chính gây hại hơn là mang lại lợi ích.

Những nước vượt qua "điểm ngoặt tăng trưởng tối đa" này là Canada (khoảng 5,5%), Thụy Sỹ (5,1%), Ireland (4,6%) và Mỹ (khoảng 4,2%). Các tính toán cho thấy nếu số người làm việc trong lĩnh vực tài chính trở lại điểm ngoặt, GDP trên đầu người sẽ tăng 1,3 điểm % ở Canada, 0,7 điểm % ở Thụy Sỹ và 0,2% ở Ireland.

Các nhà kinh tế cũng có một phát hiện đáng chú ý là khu vực tài chính tăng càng nhanh, thì nền kinh tế càng tăng chậm lại. Hai ví dụ điển hình mà họ đưa ra là Ireland và Tây Ban Nha. Trong năm năm tính từ năm 2005, số việc làm trong lĩnh vực tài chính của Ireland và Tây Ban Nha tăng với nhịp độ trung bình 4,1% và 1,4%/năm, trong khi GDP trên đầu người giảm lần lượt 2,7% và 1,4%./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục