Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến giữa tháng 7/2024, đơn vị đã thu nhận hồ sơ cấp mới thẻ căn cước cho gần 40.000 trường hợp. Trong đó, có hơn 32.000 trường hợp công dân từ đủ 14 tuổi trở lên; hơn 6.100 trường hợp công dân từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi; hơn 1.100 trường hợp công dân dưới 6 tuổi và 127 trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú.
Lực lượng chức năng cũng cấp mới giấy chứng nhận căn cước cho 4 trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; tích hợp thông tin sinh trắc học ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước cho 12 trường hợp; cấp căn cước lưu động tại sân bay cho người Việt Nam từ nước ngoài về (11 trường hợp).
Đơn vị tổ chức cấp gần 300 thẻ căn cước cho công dân là nhân khẩu đặc biệt đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần thành phố Thủ Đức; thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân cho hơn 2.000 trường hợp nhân khẩu đặc biệt tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội như người lang thang cơ nhỡ, tâm thần, hộ nghèo và cận nghèo, người nhiễm HIV.
Theo Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an Thành phố Hồ Chí Minh, việc thu nhận hồ sơ cấp mới thẻ căn cước nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp thẻ căn cước với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn Thành phố nhằm đạt mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đăng ký, quản lý cư trú, tạo sự ổn định cuộc sống cho người dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Luật Căn cước, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc cấp thẻ căn cước đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trực thuộc đơn vị để chủ động sắp xếp thời gian đến các điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước trên địa bàn.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên và người thân thuộc các sở, ngành trên địa bàn thành phố được thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, Công an Thành phố phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an thành lập Tổ cấp thẻ căn cước lưu động để cấp thẻ căn cước tại trụ sở các đơn vị khi có yêu cầu.
Công an Thành phố cùng Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tổ chức cấp thẻ căn cước lưu động tại trường học cho học sinh theo từng nhóm tuổi (từ đủ 14 tuổi trở lên; từ 6 đến dưới 14 tuổi) nhằm tiết kiệm thời gian, không làm ảnh hưởng đến thời gian học tập của các em./.
TP Hồ Chí Minh: Trao thẻ Căn cước đầu tiên cho công dân dưới 6 tuổi
Tại Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh, ngay sau khi tiếp nhận, 10 thẻ Căn cước do cơ quan có thẩm quyền cấp về đã được trao cho công dân; trong đó có 2 công dân dưới 6 tuổi thuộc diện đối tượng mới.