Thất thu ngân sách 8.500 tỷ đồng mỗi năm do thuốc lá nhập lậu

Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế, nhưng tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn không hề có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí còn diễn biến đa dạng và phức tạp hơn.
Thất thu ngân sách 8.500 tỷ đồng mỗi năm do thuốc lá nhập lậu ảnh 1Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương tạm giữ các đối tượng có hành vi buôn lậu thuốc lá ngoại. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt - TTXVN)

Hiện nay, buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra sôi nổi và phức tạp cả trên đường bộ và đường biển. Buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận, chỉ sau buôn bán ma túy. Vì vậy, đây là “ma lực” đối với những đối tượng buôn lậu.

Tại hội thảo phòng chống buôn lậu thuốc lá diễn ra ngày 17/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết hệ quả của tình trạng buôn lậu thuốc lá là hàng năm Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng, “chảy máu” ngoại tệ khoảng 500 triệu USD.

[Công bố kết quả cuộc thi thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá]

Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu đồng nghĩa với không làm thủ tục hải quan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mỗi ngày có 400.000-500.000 bao thuốc lá nhập lậu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN, sau Indonesia và Philippine. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá.

Thống kê chưa đầy đủ của Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy kết quả kiểm tra, xử lý đối với thuốc lá nhập lậu từ năm 2019 đến nay: tổng số vụ kiểm tra là 2.428 vụ, trong đó số vụ xử lý: 1.976 vụ, số lượng thuốc lá tịch thu: 646.450 bao, số tiền phạt hành chính: 8,63 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm: 61 tỷ đồng, số vụ chuyển xử lý hình sự: 16.

Đại diện Tổng Cục quản lý thị trường phân tích hiện nay phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu theo chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp.

Trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình vùng biển, đêm tối để hoạt động. Các đối tượng buôn lậu sử dụng các loại ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng hóa để cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong các khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác.

Trên tuyến Quốc lộ 1A, thuốc lá ngoại được ngụy trang, cất giấu lẫn lộn với nhiều loại hàng hóa khác trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng; trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thời gian qua mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế vấn nạn này, nhưng dường như vẫn không hề có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí còn diễn biến đa dạng và phức tạp hơn. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới khoảng 400.000-500.000 bao các loại.

Tăng cường kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật

Ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ mặc dù theo luật sẽ phạt tù tới 15 năm với tội buôn bán, tàng trữ, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên, nhưng buôn lậu thuốc lá vẫn gia tăng, xuất phát từ nhiều lý do.

Theo ông Hùng, buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận, tới trên 400%, do không phải chịu bất cứ khoản thuế, phí nào, trong khi thuốc lá nhập khẩu chính ngạch phải chịu thuế nhập khẩu từ 100% đến 202%, thuế giá trị gia tăng 10%; thuốc lá sản xuất trong nước phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%, thuế giá trị gia tăng 10%; quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá 2%.

Thuốc lá là loại hàng hóa gọn nhẹ, dễ vận chuyển. Điều kiện địa lý của Việt Nam có biên giới đường bộ, đường sông, đường biển tiếp giáp với nhiều nước, rất thuận tiện cho hoạt động buôn lậu.

Ông Hùng phân tích thêm một nguyên nhân khác là các quy định về quản lý, xử lý chưa phát huy hết hiệu quả (đối với thuốc lá điếu). Tình hình buôn lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, vì có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực hiện Nghị định số 106/2017/NĐ - CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang trong quá trình xem xét, lấy ý kiến.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Công tác xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi hút thuốc nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Triết, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng trong khi sản xuất kinh doanh trong nước được quản lý chặt chẽ bởi các quy định pháp lý nghiêm ngặt, thì việc buôn lậu thuốc lá lại đang diễn biến gia tăng, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và xã hội.

Ông Triết cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho phép chuyển việc quản lý Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá về Bộ Tài chính để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và trích khoảng 50% Quỹ để tăng biên chế, trang thiết bị, phương tiện cho các lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.

Ông Rodney Van Dooren, Trưởng bộ phận Phòng chống buôn lậu của Philip Morris International (PMI) tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho hay thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng trở nên phổ biến ở các thành phố lớn. Do vậy, cần tăng cường kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật, cũng như xây dựng các quy định phù hợp để quản lý sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam để bảo vệ lợi ích của chính phủ (đặc biệt là tránh thất thu thuế), sức khoẻ của người hút thuốc và nhà sản xuất hợp pháp.

Tại hội thảo, các chuyên gia và cơ quan quản lý đã có sự trao đổi, thảo luận sôi nổi nhằm chuyển thông điệp trên tới các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách để tìm giải pháp từng bước ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, bảo vệ quyền lợi Nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục