Thế giới vừa trải qua tháng Chín nóng nhất trong lịch sử

Tháng 9/2014 đã trở thành tháng Chín nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu.
Thế giới vừa trải qua tháng Chín nóng nhất trong lịch sử ảnh 1 Trẻ em tránh nóng dưới vòi phun nước trong công viên ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tháng 9/2014 đã trở thành tháng Chín nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất từ năm 1880.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ (NOAA), nền nhiệt trung bình toàn cầu trên cả mặt đất và đại dương trong tháng Chín vừa qua đạt 15,7 độ C, cao hơn 0,72 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20.

Đây là tháng Chín thứ 38 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt trong thế kỷ 20. Tháng Chín có nhiệt độ được ghi nhận thấp hơn mức trung bình toàn cầu của thế kỷ 20 là vào năm 1976.

Sau khi phân tích và đánh giá các số liệu thu thập trên phạm vi toàn cầu, NOAA cho biết tình trạng tăng nhiệt độ diễn ra tại hầu hết các khu vực trên Trái Đất, trừ miền Trung nước Nga, một số khu vực ở Đông và Bắc Canada và một vùng nhỏ ở Namibia.

Trong khi đó, phần lớn khu vực Tây Bắc châu Phi, một số khu vực ven biển ở Đông Nam Nam Mỹ, Tây Nam Australia, một số khu vực Trung Đông và Đông Nam Á lại ghi nhận nền nhiệt tăng bất thường.

Cụ thể, Australia đã trải qua tháng Chín nóng gắt khi nhiệt độ tăng 2,03 độ C so với nền nhiệt trung bình giai đoạn 1961-1990, trở thành tháng nóng thứ 5 ở nước này kể từ năm 1910.

Miền Tây Australia cũng ghi nhận mức nhiệt cao hơn 2,75 độ C so với nhiệt độ trung bình, vượt qua mức nhiệt kỷ lục hồi năm 1980.

Trong khi đó nhiều nước châu Âu như Na Uy, Đức, Phần Lan, Áo và Pháp cũng ghi nhận nền nhiệt cao bất thường trong tháng vừa qua.

Người dân Đan Mạch phải đối mặt với tháng Chín nóng thứ 7 kể từ khi các dữ liệu được ghi chép vào năm 1874, trong khi Anh có tháng Chín nóng thứ tư trong 115 năm qua.

Cũng theo NOAA, 9 tháng đầu năm 2014 đã cùng với năm 1998 trở thành một trong những giai đoạn có nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất và đại dương nóng nhất trong lịch sử.

Trong giai đoạn trên, nền nhiệt toàn cầu được ghi nhận cao hơn 0,68 độ C so với nhiệt độ trung bình 14,1 độ C trong thế kỷ 20.

Đối với nhiệt độ bề mặt các đại dương nói riêng, nhiệt độ nước ở các đại dương cao hơn 0,66 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 và cao hơn so với nhiệt độ một tháng trước đó.

Tình trạng tăng nhiệt độ diễn ra ở hầu hết các đại dương, đặc biệt ở Đông Bắc và vùng xích đạo Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đàn Cò Ốc xuất hiện trên cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)

Bảo vệ đàn Cò Ốc quý hiếm xuất hiện tại Gia Lai

Những ngày qua, người dân xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai phản ánh về sự xuất hiện của đàn Cò Ốc (loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam) tại khu vực cánh đồng thuộc địa bàn xã.

Đồi cỏ tranh ngút ngàn ở xã vùng cao Pu Nhi

Đồi cỏ tranh ngút ngàn ở xã vùng cao Pu Nhi

Giữa không gian núi đồi hùng vỹ ngút ngàn, cỏ tranh phủ một màu trắng muốt, đung đưa theo làn gió tạo nên khung cảnh thơ mộng tại xã vùng cao Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).

Tro bụi phun lên từ núi lửa Marapi ở Padang Panjang, Tây Sumatra, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Indonesia: Núi lửa Marapi phun tro bụi cao hơn 1.000 m

Từ đầu tháng 4 đến nay, Indonesia ghi nhận 9 vụ phun trào và 125 đợt phát thải từ núi lửa Marapi, theo đó cảnh báo người dân và khách du lịch không đi vào khu vực bán kính 3 km từ miệng núi lửa.