Theo dõi chặt diễn biến bão số 8, mưa lũ, khắc phục hậu quả thiên tai

Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh thành theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 8 và mưa lũ; tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Đường đi của cơn bão số 8. (Nguồn: nchmf.gov.vn)
Đường đi của cơn bão số 8. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Để tiếp tục ứng phó với bão số 8 và khắc phục hậu quả mưa lũ, ngày 24/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão và mưa lũ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 368/TB-VPCP ngày 21/10/2020), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (Công điện số 29/CĐ-TWPCTT và tại cuộc họp vào chiều 23/10).

Theo đó, các địa phương cần tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 8 và mưa lũ; rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với tàu thuyền đang hoạt động trên biển và neo đậu tại nơi tránh trú; quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi, chủ động quyết định việc cấm biển; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, các hoạt động du lịch, sản xuất nuôi trồng thủy hải sản.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu đối với những gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có nhà bị sập, mất tài sản, kiên quyết không để người dân bị đói, rét; tổ chức, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân dọn vệ sinh nhà ở, trường lớp, xử lý môi trường; sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, nhất là công trình giao thông, y tế, điện, nước.

Đồng thời, các địa phương kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, khu vực sạt lở; chủ động điều tiết các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước đảm bảo an toàn công trình, đồng thời dành dung tích phòng lũ để sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ do bão số 8 gây ra.

[Khả năng có thêm cơn bão đi vào Biển Đông từ đêm 26/10]

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn, nhất là các hộ dân đang ở tại nhà có kết cấu yếu, khu vực ven biển, vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức chằng chống nhà cửa, cây lớn có nguy cơ gãy đổ, chặt tỉa cành cây.

Tính đến 17 giờ ngày 24/10, đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 6 đến 24/10 tại khu vực Trung Bộ đã làm 123 người chết, 19 người mất tích; 813 nhà bị hư hỏng, 362 nhà bị ngập; 716ha lúa bị ngập, 3.962ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.168 con gia súc và 740.796 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Các tuyến đường còn ách tắc gồm: Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 15 điểm, Quốc lộ 12A (đoạn Khe Ve-Cha Lo) tỉnh Quảng Bình; Quốc lộ 9B (đường Hồ Chí Minh Tây-Chút Mút), Quốc lộ 9C (Km38-Km39), Quốc lộ 9E (Km25+700-Km30), Quốc lộ 15 (Km562+200 ngập nước tại ngầm tràn).

Đến nay, chính quyền các địa phương đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 267 xã, cụ thể: tại Hà Tĩnh 74 xã, Quảng Bình 85 xã, Quảng Trị 72 xã, Thừa Thiên-Huế 26 xã, Quảng Nam 10 xã.

Hiện nay vẫn còn 28 xã bị cắt điện gồm: tại Hà Tĩnh 6 xã, Quảng Bình 8 xã, Quảng Trị 10 xã, Thừa Thiên-Huế 1 xã, Quảng Nam 3 xã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục