Thổ Nhĩ Kỳ đưa lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tới chiến trường Afrin

Cảnh sát đặc nhiệm được điều tới khu vực Afrin, miền Tây Bắc Syria để chuẩn bị cho "một trận đánh mới" trong chiến dịch quân sự kéo dài năm tuần tại khu vực này.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tới chiến trường Afrin ảnh 1Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào Afrin từ thị trấn Reyhanli, tỉnh Hatay ngày 12/2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 26/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tới khu vực Afrin, miền Tây Bắc Syria để chuẩn bị cho "một trận đánh mới" trong chiến dịch quân sự kéo dài năm tuần tại khu vực này, bất chấp việc Liên hợp quốc đang nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tại Syria để tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Thủ tướng nước này, ông Bekir Bozdag cho biết việc đưa lực lượng đặc nhiệm vào khu vực Afrin nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho trận đánh mới sắp diễn ra.

Ông Bekir khẳng định nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc yêu cầu một lệnh ngừng bắn trong 30 ngày ở Syria không bao gồm khu vực Afrin và yêu cầu của Liên hợp quốc "không ảnh hưởng" đến chiến dịch "Nhành Ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiêu diệt lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), nhánh vũ trang của Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) vốn bị nước này coi là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK).

[Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch ở Afrin bất chấp nghị quyết LHQ]

Trong khi đó, theo hãng thông tấn Dogan, lực lượng hiến binh và một số đơn vị cảnh sát đặc nhiệm đã tập hợp từ hai địa điểm cùng tiến vào phía Tây Bắc Afrin. Nhiệm vụ của lực lượng này là tham gia hoạt động quân sự tại địa phương và kiểm soát những ngôi làng mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm được. Hiện phần lớn các thành phố lớn ở khu vực Afrin, trong đó có thành phố Afrin, vẫn do YPG kiểm soát.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/2 đã thông qua nghị quyết 2401 yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong vòng 30 ngày, để cho phép các hoạt động vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ và sơ tán những người ốm hoặc bị thương ở khu vực Đông Ghouta của Syria.

Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya, đồng thời yêu cầu tất cả các bên "chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường." Yêu cầu ngừng bắn không áp dụng cho các hoạt động quân sự chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, al-Qaeda và các nhóm có liên hệ với mạng lưới khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục