Thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên công nghệ sử dụng cây thuốc lá

Cơ chế phát triển vắcxin này là sử dụng một đoạn sao chép trong chuỗi gene của virus SARS-CoV-2 để tạo ra kháng nguyên, sau đó kháng nguyên này sẽ được cấy vào cây thuốc lá để sản sinh thêm.
Thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên công nghệ sử dụng cây thuốc lá ảnh 1(Nguồn: theguardian.com)

Ngày 16/12, British American Tobacco (BAT) - nhà sản xuất của 2 thương hiệu thuốc lá Dunhill và Lucky Strike, thông báo cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học Kentucky BioProcessing (KBP) của hãng này tại Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm vắcxin tiềm năng phòng virus SARS-CoV-2, được phát triển với công nghệ sử dụng cây thuốc lá.

Theo BAT, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tập đoàn này tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với 180 người trưởng thành.

Sau khi có kết quả thử nghiệm giai đoạn 1, dự kiến vào giữa năm 2021, BAT hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2.

[Công ty dược phẩm thứ 2 của Nhật thử nghiệm lâm sàng vắcxin COVID-19]

Trong một tuyên bố, BAT cho biết vắcxin tiềm năng được phát triển sử dụng sáng kiến của KBP về công nghệ thực vật có đặc tính phát triển nhanh.

Cơ chế phát triển vắcxin này là sử dụng một đoạn sao chép trong chuỗi gene của virus SARS-CoV-2 để tạo ra kháng nguyên, sau đó kháng nguyên này sẽ được cấy vào cây thuốc lá để sản sinh thêm.

Khi cây thuốc lá đến vụ thu hoạch, các kháng nguyên có trong cây sẽ được chiết xuất, lọc ra và được đưa vào cơ thể để phòng bệnh.

BAT khẳng định công nghệ độc đáo này có những ưu điểm vượt trội, trong đó có khả năng sản sinh kháng nguyên chỉ trong khoảng 6 tuần, nhanh hơn nhiều so với các phương pháp thông thường (thường mất khoảng vài tháng).

Bên cạnh đó, vắcxin sử dụng công nghệ của KBP đang phát triển chỉ cần giữ ở nhiệt độ phòng, không như những loại vắcxin hiện nay thường đòi hỏi bảo quản ở môi trường lạnh sâu.

Đây là lợi thế quan trọng đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe và mạng lưới y tế công cộng trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục