Ngày 28/7, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã từ chức, chỉ vài giờ sau khi Tòa án Tối cao nước này tuyên bố ông không đủ tư cách giữ chức vụ trên.
Tuyên bố chính thức từ Văn phòng Thủ tướng cho biết ông Sharif đã quyết định rời khỏi nhiệm sở, tuy nhiên bày tỏ một số nghi ngại "nghiêm trọng" đối với phán quyết của Tòa án Tối cao.
Trước đó cùng ngày, Thẩm phán Ejaz Afzal Khan của Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố ông Sharif không đủ tư cách là thành viên của Quốc hội, do đó ông sẽ phải thôi giữ chức Thủ tướng, liên quan tới các cáo buộc tham nhũng trong một thời gian dài. Tòa án trên cũng yêu cầu Cơ quan Chống tham nhũng quốc gia mở cuộc điều tra thêm về các cáo buộc liên quan đến ông Sharif.
[Tòa án Tối cao Pakistan phế truất Thủ tướng Nawaz Sharif]
Hồi năm 2016, Tòa án Tối cao cũng đã ra lệnh mở cuộc điều tra về số tài sản ở nước ngoài của gia đình ông Sharif sau khi vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" bắt nguồn từ công ty luật Mossack Fonseca cho thấy con gái và 2 con trai của Thủ tướng Sharif sở hữu nhiều công ty bình phong được đăng ký ở quần đảo British Virgin - Vương quốc Anh- và đứng tên các công ty này để mua bất động sản ở London.
Phe đối lập chỉ trích ông Sharif không thể giải thích về nguồn gốc số tiền của các công ty nước ngoài do các con ông sở hữu, đồng thời cáo buộc ông không trung thực trước Quốc hội. Thủ tướng Sharif và gia đình đã bác bỏ những cáo buộc trên.
Đây là lần thứ 2 trong lịch sử 70 năm qua của Pakistan, Tòa án Tối cao nước này phế truất một thủ tướng đang tại nhiệm. Năm 2012, Thủ tướng khi đó Yousaf Raza Gilani đã bị Tòa án Tối cao phế truất vì tội khinh thường tòa án, từ chối yêu cầu nhà chức trách Thụy Sĩ mở lại điều tra nghi án tham nhũng chống lại cựu Tổng thống Asif Ali Zardari./.