Người dân Nam Bộ có câu ca dao truyền tụng qua nhiều thế hệ ''Ở đâu mà chẳng biết ta/Ta ở Thủ Đức, vốn nhà làm nem.'' Món ẩm thực dân dã này giờ đây đã trở thành một giá trị văn hóa độc đáo mà nhiều thế hệ người dân Thủ Đức trân trọng, gìn giữ.
Vùng miền nào suốt dọc dài đất nước cũng có món nem. Hương vị nem theo đó mà cũng phù hợp và là biểu thị cho văn hóa con người, vùng miền. Nếu như nem miền Bắc có vị mặn và chua đặc trưng, miền Trung có vị cay truyền thống, miền Tây Nam Bộ có vị ngọt đậm chất phù sa, thì nem Thủ Đức có vị chua dịu ngọt, ăn hoài không chán.
Chúng tôi đến lò nem Bà Chín (phường Hiệp Phú, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) đã nức tiếng vùng này hơn 40 năm qua. Tiếp chúng tôi là anh Lê Nguyên Hùng, con trai trưởng của Bà Chín. Anh Hùng kể, gia đình anh từ Khánh Hòa vào đây năm 1972. Ban đầu, vốn có nghề làm nem Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) nên gia đình làm để biếu mọi người trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết. Lâu dần, mọi người đều khen ngon, ông bà đã học tập cách làm nem Thủ Đức, chọn lọc nguyên liệu, gia giảm gia vị cho đúng hương vị đặc trưng.
Hiện lò nem Bà Chín là cơ sở làm nem lâu đời nhất ở vùng Thủ Đức, được khắp các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ đặt mua. Bà Chín có năm người con thì cả năm người và các cháu nội, ngoại đều tham gia làm nem, trong đó, anh Hùng hiện được giao lại làm chủ lò nem, kế tục sự nghiệp của ông bà.
[Bánh giò - thứ quà bình dân mang cốt cách thanh lịch của người Hà Nội]
Cần trải qua nhiều công đoạn để làm ra một chiếc nem Thủ Đức, trong đó, việc lựa chọn nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh nguyên liệu chính là thịt nạc đùi heo, tỷ lệ các gia vị khác như tiêu, tỏi, rượu… cũng góp phần tạo nên bí quyết nem ngon. Các loại lá để gói nem có lá chùm ruột, lá ổi hoặc lá vông, nhưng thường dùng lá chùm ruột vì loại lá này còn cung cấp hệ vi sinh cho lên men.
Lên men hoàn toàn tự nhiên là công đoạn chính tạo nên hương vị đặc trưng của sản phẩm nem chua. Nem sau khi bao gói được để ở nhiệt độ tốt nhất là 27-30 độ C, trong hai ngày là có thể sử dụng. Tuy nhiên phải sau 3-4 ngày thì nem mới đạt giá trị cao nhất về chất lượng và màu sắc.
Ngoài sản phẩm nem chua truyền thống, lò nem Bà Chín cũng như nhiều cơ sở nem khác ở Thủ Đức còn làm thêm nem nướng. Đây là loại sản phẩm nướng xiên que từ hỗn hợp thịt nạc và mỡ heo, được chia làm hai dạng: sống và chín. Nem sống được bán cho khách hàng mang về nướng, còn nem chín là cơ sở đã nướng sẵn và khách có thể sử dụng ngay.
Giá nem chua Thủ Đức tại lò nem Bà Chín là 28.000 đồng/10 cái, nem nướng sẵn 80.000 đồng/0,5kg. Bình quân lò nem Bà Chín tiêu thụ nem chua 1.000 cái/ngày, nem nướng 40-50kg/ngày, tùy theo lượng khách hàng đặt, có thể cao hơn nữa.
Trước khi chia tay, anh Hùng chia sẻ: “Tôi làm nem từ nhỏ, đến nay đã hơn 40 năm, tôi nhớ có người bạn đi Mỹ ngần ấy năm, khi trở về ăn lại nem chua của gia đình tôi vẫn nhớ lại và tâm sự, bao nhiêu năm, hương vị nem vẫn thế, không thay đổi một chút nào…”
Hẳn vậy, hương vị nem Thủ Đức của lò nem Bà Chín bao nhiêu năm vẫn thế, như nét ẩm thực đại diện cho văn hóa một vùng đất, và ẩn sâu sau đó là chất chứa một nỗi niềm thấm đẫm trong “hương vị quê hương," thứ hương vị vốn không thể nào thay đổi được trong mỗi chúng ta./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt
Ảnh: Thông Hải