Tiêm vaccine góp phần ngăn chặn nguy cơ của hội chứng "COVID kéo dài"

Chuyên gia Maxime Taquet, Đại học Oxford (Anh), nhấn mạnh vaccine vẫn là cách hữu hiệu để ngăn chặn các triệu chứng COVID-19, kể cả “COVID kéo dài.”
Tiêm vaccine góp phần ngăn chặn nguy cơ của hội chứng "COVID kéo dài" ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra có thể đẩy tỷ lệ những người bị "COVID kéo dài" (Long COVID), tức là chịu những di chứng dai dẳng ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan cơ thể sau khi khỏi bệnh, tăng cao trong thời gian tới.

Cảnh báo mới của các nhà khoa học cho thấy sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron với các ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày tại nhiều nước liên tục lập mốc cao chưa từng thấy đang tạo thêm sức ép bởi "COVID kéo dài" được coi là một nguy cơ đối với y tế cộng đồng ẩn sau đại dịch COVID-19.

Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn tiếp tục đi tìm lời giải về tình trạng hàng triệu người phải vật lộn với cái gọi là “di chứng kéo dài hậu COVID-19,” với hơn 200 triệu chứng được báo cáo, như thở gấp, đau ngực, ngứa ran và phát ban, cực kỳ mệt mỏi và rối loạn chức năng nhận thức (tên khoa học là sương mù não), rối loạn cơ tim và thần kinh....

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm ngoái đã bày tỏ vô cùng lo ngại về tình trạng này, gọi đây là một trong những “góc khuất” của đại dịch chưa được tìm ra, đồng thời kêu gọi những người đang chịu đựng "COVID kéo dài," dù đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính, nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Báo cáo chuyên đề về "COVID kéo dài" được WHO công bố năm ngoái cho thấy tình trạng này có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

Nguy cơ này đặc biệt đáng quan ngại khi số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố cuối năm ngoái cho thấy ở Anh, số người trẻ tuổi mắc hội chứng "COVID kéo dài" cao gần gấp đôi so với những người trên 70 tuổi.

[Nghiên cứu mới về COVID kéo dài ở những người không tiêm vaccine]

Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe quốc gia Anh (NIHS), hầu hết bệnh nhân bình phục sau thời gian phải nhập viện điều trị vì COVID-19 đều có các triệu chứng “COVID kéo dài” và tình trạng này được cải thiện rất ít trong vòng một năm sau khi ra viện. NIHS cho biết cứ 10 người thì có 7 người tiếp tục gặp phải các triệu chứng “COVID kéo dài” như mệt mỏi, đau cơ, mất ngủ và khó thở trong 12 tháng sau khi xuất viện. Có rất ít hoặc không có cải thiện gì so với 7 tháng đầu kể từ khi khỏi bệnh.

Đặc biệt, theo Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC), bệnh nhân gặp hội chứng "COVID-19 kéo dài", nếu sau một năm khỏi bệnh vẫn cảm thấy hụt hơi, khó thở khi hoạt động thể chất, sẽ có nguy cơ bị tổn thương tim. Kết quả cũng cho thấy số người có các triệu chứng nặng nhất của “COVID kéo dài” nhiều hơn số người có các triệu chứng nhẹ.

Trong khi đó, qua nghiên cứu về mức độ tự kháng thể ở những bệnh nhân COVID-19 đã bình phục trong vòng 6 tháng sau khi mắc bệnh, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Mỹ nhận định ngay cả những trường hợp mắc COVID-19 nhẹ cũng có thể để lại những di chứng kéo dài.

Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cũng đồng tình với quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh các bằng chứng trước đây đều cho thấy "COVID kéo dài" không phụ thuộc vào biến thể mà người bệnh nhiễm phải. Điều này cho thấy không có cơ sở để nói rằng biến thể Omicron, vốn được cho gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể khác, sẽ gây ra "COVID kéo dài" ít hơn.

Đặc biệt, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Y tế công cộng Na Uy công bố tuần này cho thấy những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ cao hơn phải chịu đựng triệu chứng "COVID kéo dài" sau khi mắc bệnh.

Đáng lo ngại hơn, các nhà nghiên cứu tin rằng “COVID kéo dài” không phải là một hội chứng đơn lẻ mà còn có thể xuất hiện dưới dạng các chùm triệu chứng được chia làm 2 chùm chính.

Chùm triệu chứng thứ nhất có liên quan tới não bộ, bao gồm chứng não sương mù (tình trạng đầu óc không thể ghi nhớ, phân tích nhạy bén hoặc thiếu tập trung), suy giảm trí nhớ, chóng mặt, tim đập nhanh và mệt mỏi; chùm triệu chứng thứ hai có liên quan tới hệ hô hấp gồm khó thở và ho.

Đây là kết quả nghiên cứu đối với khoảng 70.000 người không tiêm vaccine và mắc COVID-19, trong đó hơn 50% trong số này có các triệu chứng trên sau một năm mắc bệnh.

Tiêm vaccine góp phần ngăn chặn nguy cơ của hội chứng "COVID kéo dài" ảnh 2Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở San Diego, California, Mỹ ngày 15/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước thực trạng trên, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là phòng tránh để không bị mắc COVID-19, mà biện pháp hàng đầu là tiêm vaccine.

Chuyên gia Maxime Taquet, Đại học Oxford (Anh), nhấn mạnh vaccine vẫn là cách hữu hiệu để ngăn chặn các triệu chứng COVID-19, kể cả “COVID kéo dài.”

Trước đó, một nghiên cứu do Đại học Queen Mary London thực hiện tháng 10 năm ngoái cho biết cách tốt nhất để ngăn chặn "COVID kéo dài" là tiêm vaccine. Báo cáo trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa hoàng gia ước tính tiêm đủ mũi vaccine cơ bản sẽ giúp ngăn chặn tới 56.000 trường hợp mắc "COVID kéo dài" ở trẻ em từ 12 -17 tuổi.

Thực tế dịch bệnh đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng khi càng có nhiều người được tiêm phòng thì thiệt hại do COVID-19 gây ra càng giảm. Biến thể Omicron đã lây lan rất nhanh ở Nam Phi nhưng làn sóng dịch bệnh do biến thể này gây ra được cho là để lại ít hậu quả hơn so với các làn sóng trước, chủ yếu là nhờ nhiều người dân đã được tiêm phòng.

Tại Israel, khi biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, số bệnh nhân nhập viện là người chưa tiêm vaccine ngày càng tăng dù nhóm này chỉ chiếm khoảng 20% dân số trưởng thành tại Israel. Trong khi đó, diễn biến trong những ngày đầu của làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra cho thấy nhóm bệnh nhân là người đã tiêm phòng có triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều so với nhóm chưa tiêm.

Tiến sỹ Oren Kobiler, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Tel Aviv, khẳng định hầu hết các ca bệnh nặng đều ở những người chưa tiêm phòng hoặc có vấn đề trong hệ miễn dịch khiến vaccine không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Tại New York (Mỹ), gần 90% các ca nhập viện vì COVID-19 hiện là người chưa tiêm phòng. Trong tuần đầu tiên của tháng 1, tỷ lệ mắc ở nhóm chưa tiêm phòng tăng “phi mã” từ 239,6 ca lên 1.583,1 ca/100.000 người.

Đối với nhóm người đã tiêm phòng, tỷ lệ nhận trong làn sóng dịch bệnh do Omicron gây ra cao hơn so với các làn sóng trước, nhưng tình trạng bệnh của những người này ít nghiêm trọng hơn so với những người chưa tiêm phòng.

Trong cuộc họp báo ngày 12/1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định dù không hoàn toàn ngăn chặn được sự lây lan của virus nhưng vaccine vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca mắc nặng và tử vong.

Ông nêu rõ việc số đông bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị là người chưa tiêm chủng là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiệu quả phòng bệnh của các loại vaccine ngừa COVID-19.

Người đứng đầu WHO một lần nữa nhấn mạnh học cách sống chung với COVID-19 không có nghĩa là chúng ta có thể hoặc nên chấp nhận vẫn còn hàng nghìn người tử vong vì căn bệnh này.

Để làm được điều đó, mỗi người dân nên tự ý thức đi tiêm phòng, mỗi quốc gia cần đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và đưa ra các quyết định liên quan các mũi tiêm dựa trên thực tế dịch bệnh và cơ sở khoa học, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và nâng cao tinh thần chia sẻ để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục