Vắcxin sởi-rubella được Bộ Y tế triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 9/2014 cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi.
Để các gia đình và cộng đồng hiểu rõ về loại vắcxin này, hiệu quả bảo vệ và yên tâm đưa trẻ đi tiêm theo đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về vấn đề này.
- Viện trưởng cho biết về thực trạng mắc bệnh sởi và rubella hiện nay tại Việt Nam?
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển: Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 2010, trên thế giới có khoảng 139.000 ca tử vong do bệnh sởi.
Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai tiêm vắcxin. Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... là các biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi và có thể dẫn đến tàn phế, tử vong (đặc biệt là ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh). Mắc bệnh sởi khi mang thai cũng có thể gây sảy thai, đẻ non.
Bệnh lây truyền qua đuờng hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.
Bệnh rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus rubella gây ra. Phần lớn bệnh ở mức độ nhẹ, thường gặp ở trẻ em và thanh niên.
Bệnh gây tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi nếu bà mẹ bị nhiễm virus này trong thời kỳ mang thai. Bệnh thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ như sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng chẩm, sau tai và cổ. Ở người lớn có thể có sưng đau khớp.
Tuy nhiên, có tới 50% số trường hợp có biểu hiện lâm sàng không điển hình làm cho người bệnh dễ bị lầm tưởng với bệnh khác.
Năm 2011, trên toàn quốc ghi nhận trên 7.200 ca mắc bệnh rubella tại 59 tỉnh, thành phố; tập trung ở nhóm trẻ em, thanh niên và phụ nữ sinh đẻ.
Trên thực tế, số trường hợp mắc bệnh này còn cao hơn nhiều lần do nhiều trường hợp có biểu hiện nhẹ không đến cơ sở y tế.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có từ 1.267 đến 6.145 ca mắc hội chứng rubella bẩm sinh.
- Viện trưởng có thể cho biết về kế hoạch triển khai tiêm vắcxin sởi-rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và thông tin rõ hơn về loại vắcxin này?
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển: Dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ triển khai đưa vắcxin rubella vào chương trình dưới dạng vắcxin tổng hợp sởi-rubella.
Đây là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cho hơn 20 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong các năm 2014-2015 với mục đích bảo vệ đồng thời cho trẻ không mắc hai bệnh sởi và rubella, tiến tới loại trừ bệnh sởi và khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh.
Sau chiến dịch, vắcxin sởi đơn và vắcxin phối hợp sởi-rubella sẽ tiếp tục được triển khai tiêm chủng theo lịch trong tiêm chủng mở rộng các năm tiếp theo.
Vắcxin sởi-rubella là vắcxin phối hợp để phòng đồng thời hai bệnh sởi và bệnh rubella. Đây là vắcxin sống, giảm độc lực. Vắcxin được đóng gói dạng bột đông khô, có màu vàng trắng kèm theo lọ dung dịch pha hồi chỉnh.
Vắcxin phối hợp sởi-rubella phải được pha hồi chỉnh trước khi sử dụng. Vắcxin đóng gói dưới dạng lọ thủy tinh 10 liều/lọ. Dung môi được đóng 5ml/lọ. Chỉ sử dụng loại dung môi đi kèm với lọ vắcxin để pha hồi chỉnh vắcxin.
Loại vắcxin này được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng năm 2014-2015, do hãng Serum Institute, Ấn Độ sản xuất. Vắcxin này đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của Tổ chức Y tế Thế giới, do Liên minh toàn cầu vắcxin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ kinh phí, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mua và cung ứng cho Việt Nam.
Vắcxin đã được sử dụng tại hàng chục nước trên thế giới.
- Viện trưởng cho biết về hiệu quả cũng như các phản ứng sau khi tiêm vắcxin sởi-rubella?
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển: Bệnh sởi và rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắcxin sởi-rubella là cách duy nhất phòng bệnh chủ động và hiệu quả.
Vắcxin phối hợp sởi-rubella giúp bảo vệ đồng thời cho trẻ em không mắc hai bệnh sởi và rubella và phòng hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ em. Hiệu quả bảo vệ của vắcxin là 95%.
Cũng như các vắcxin khác, tiêm vắcxin sởi-rubella không có hiệu quả phòng bệnh tuyệt đối 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắcxin, loại vắcxin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vắcxin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng. Hầu hết các trường hợp có đáp ứng miễn dịch với sởi, rubella sau tiêm vắcxin và miễn dịch này là bền vững suốt đời.
Sau khi trẻ tiêm loại vắcxin này thì các phản ứng nhẹ có thể gặp như vắcxin sởi có thể gây ra sưng, đau nhẹ tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Hầu hết các trường hợp tự khỏi trong vòng 2-3 ngày mà không cần chăm sóc y tế.
Sốt nhẹ chiếm 5-15% sau khi tiêm và kéo dài trong 1-2 ngày. Phát ban xảy ra trong khoảng 2% người được tiêm, thường bắt đầu từ 7-10 ngày sau khi tiêm và kéo dài hai ngày. Các tác dụng phụ nhẹ xảy ra ít hơn ở liều tiêm thứ 2.
Viêm não đã được báo cáo sau khi tiêm vắcxin sởi với tỷ lệ khoảng 1/1 triệu trường hợp tiêm mặc dù chưa chứng minh được mối liên quan.
Đối với vắcxin rubella chủ yếu gây ra các dấu hiệu ở khớp như đau khớp (25%), viêm khớp (10%) ở trẻ vị thành niên và phụ nữ, thường kéo dài từ vài ngày đến hai tuần. Phản ứng này rất hiếm ở trẻ em và ở nam giới khi tiêm vắcxin sởi-rubella (0-3%).
Ngoài ra còn có các phản ứng như sốt nhẹ và phát ban, nổi hạch, đau cơ, dị cảm là những triệu chứng thường được báo cáo.
Bên cạnh đó, sau khi tiêm vắcxin này cũng có một số phản ứng nặng hiếm gặp như giảm tiểu cầu là dấu hiệu rất hiếm với tỷ lệ báo cáo dưới 1/30.000 liều dùng; sốc phản vệ cũng rất hiếm gặp.
Vắcxin rất hiếm khi gây ra phản ứng dị ứng như nổi mề đay, ngứa, phát ban dị ứng trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Các nghiên cứu cho thấy phản ứng của hệ thần kinh trung ương không liên quan trực tiếp đến vắcxin.
- Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với các bà mẹ khi đưa con đi tiêm vắcxin sởi-rubella cũng như các loại vắcxin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng?
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển: Các bà mẹ cần cho trẻ ăn no trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng vắcxin. Chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như trẻ đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước (như sốt cao, phát ban, sưng nề vùng tiêm)... Đồng thời, hỏi cán bộ y tế về loại vắcxin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Các gia đình cần cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra; tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban...
Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Đặc biệt, không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm và đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (trên 39 độ C), co giật, khó thở, tím tái, phát ban hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên một ngày.
Gia đình không nên cho trẻ đi tiêm vắcxin sởi-rubella trong các trường hợp có tiền sử sốc hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vắcxin chứa thành phần sởi hoặc rubella như sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não, màng não, tím tái, khó thở, sốc; dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắcxin (ví dụ với neomycin); có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan); tình trạng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng bẩm sinh hoặc mắc phải (AIDS).
Phụ nữ có thai không nên tiêm loại vắcxin này và các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Trân trọng cảm ơn Viện trưởng./.