Tìm kiếm đòn bẩy để cân bằng quan hệ kinh tế ASEAN-Trung Quốc

Với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3.110 tỷ USD và dân số 673 triệu người, khu vực ASEAN đang phát triển nhanh chóng và là thị trường béo bở cho Trung Quốc.
Tìm kiếm đòn bẩy để cân bằng quan hệ kinh tế ASEAN-Trung Quốc ảnh 1Một cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên Diễn đàn Đông Á, nhà báo, nhà bình luận nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah cho rằng sau 30 năm duy trì quan hệ chặt chẽ với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc dường như cho rằng Hiệp hội này đang phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN có thực sự phụ thuộc vào Trung Quốc hay ngược lại?

Với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3.110 tỷ USD và dân số 673 triệu người, khu vực ASEAN đang phát triển nhanh chóng và là thị trường béo bở cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã và đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình dưới hình thức hợp tác thương mại, đầu tư, viện trợ, cho vay và nguồn khách du lịch để tác động đến một số nước trong khu vực.

[Vaccine ngừa COVID-19 mở ra triển vọng hợp tác ASEAN-Trung Quốc]

ASEAN, tổ chức được thành lập vào ngày 5/8/1967, đang muốn nắm giữ vai trò dẫn dắt lớn hơn trong các vấn đề khu vực, mặc dù khối này không có ảnh hưởng chính trị và quân sự để làm điều đó.

Phương thức ASEAN - về cơ bản thông qua đồng thuận - đã trở thành "gót chân Achilles" của ASEAN.

Trung Quốc thường xuyên ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược của mình với ASEAN, song các nhà quan sát cho rằng mục tiêu thực sự của Bắc Kinh là sử dụng sức mạnh kinh tế của mình nhằm gây áp lực cho một số nước ASEAN.

Năm 2021 là năm Trung Quốc và ASEAN kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác.

Phát biểu vào năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã phát triển thành mô hình hợp tác thành công và sôi động nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là nỗ lực mẫu mực trong việc xây dựng cộng đồng nhân loại chung vận mệnh."

Trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã nổi lên như một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN, bắt đầu từ Đối tác đối thoại toàn diện vào năm 1996 đến Đối tác chiến lược của ASEAN vào năm 2008.

Trung Quốc và ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do vào năm 2002 để thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực vào năm 2010.

Trong 12 năm qua, Trung Quốc đã phát triển thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân với ASEAN đã phát triển vượt bậc.

Lần đầu tiên sau 30 năm, ASEAN đã trở thành thị trường và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Trong khi đó, ASEAN cũng đã có ảnh hưởng kinh tế mới đối với Trung Quốc. Điều này diễn ra vào một thời điểm khó khăn.

Một mặt, cả thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vào năm 2020, dẫn đến cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế trên toàn cầu.

Mặt khác, Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến kinh tế-thương mại do Mỹ - thị trường lớn nhất của Trung Quốc - phát động. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã trở thành đối tác "khó nhằn" đối với Trung Quốc.

Trung Quốc đã tìm thấy ở ASEAN một thị trường quan trọng và chiến lược, như một sự thay thế cho thị trường Mỹ và EU. Bắc Kinh đã có những nỗ lực phi thường để thâm nhập vào thị trường ASEAN và đã thành công.

Giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 7% từ mức 641,46 tỷ USD vào năm 2019 lên mức cao kỷ lục 731 tỷ USD vào năm 2020.

Với GDP quy mô 14.120 tỷ USD và dân số 1,44 tỷ người, Trung Quốc có thể được coi là một thị trường hấp dẫn đối với các quốc gia khác, bao gồm cả ASEAN.

Tuy nhiên, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy ASEAN khó có thể hưởng lợi nhiều từ thị trường Trung Quốc, trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cho vay hoặc nguồn khách du lịch.

Mọi lĩnh vực đều được Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ để mang lại lợi ích nhiều nhất cho chính nước này, hơn là cho các nước đối tác.

Các nước ASEAN cũng không có đủ năng lực và sản phẩm để thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã được hưởng thặng dư thương mại khổng lồ với một số nước ASEAN.

Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường ASEAN kể từ năm 2010 nhờ ACFTA. Hầu như tất cả các nước ASEAN đã chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc kể từ năm 2010. Ví dụ như trong năm 2019, Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại 77,58 tỷ USD với ASEAN.

Điều đáng ngạc nhiên là ASEAN là nhà đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc về tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI).

Trong năm 2019, tổng vốn FDI của các nước ASEAN đổ vào Trung Quốc đạt 124,61 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với 112,3 tỷ USD vốn FDI của Trung Quốc vào ASEAN trong cùng năm.

Giao lưu nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, đang phát triển nhanh chóng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Năm 2019, 169 triệu lượt du khách Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài, trong khi 145,31 triệu lượt khách quốc tế đã đến thăm Trung Quốc.

Điều thú vị là số khách du lịch ASEAN tới thăm Trung Quốc cao hơn so với lượng khách du lịch Trung Quốc đến thăm các nước ASEAN.

Ví dụ vào năm 2019, 32,28 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến thăm các nước ASEAN, trong khi đó 32,72 triệu khách du lịch ASEAN đã đến thăm Trung Quốc. Tất cả đều không tốt cho ASEAN khi phải đối phó với Trung Quốc trong các vấn đề phi kinh tế.

Thực tế đã cho thấy Trung Quốc cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào ASEAN. Kể từ năm 2020, ASEAN đã trở thành thị trường lớn nhất của Trung Quốc. Đầu tư của ASEAN lớn hơn nhiều so với đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN. Có nhiều khách du lịch ASEAN đến thăm Trung Quốc hơn là số du khách Trung Quốc đến thăm ASEAN.

Do đó, đã đến lúc ASEAN cùng sử dụng đòn bẩy kinh tế mới này để tìm ra cách thức cân bằng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và cùng tìm kiếm lợi ích bình đẳng.

Tác giả bài viết cũng khuyến nghị ASEAN tạo dựng quan hệ đối tác mới với các đối tác toàn cầu khác nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục