Tình hình dịch COVID-19 sáng 2/7: Mỹ vẫn ghi nhận 52.898 ca nhiễm mới

Tính đến 8 giờ sáng 2/7 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là gần 10,8 triệu ca; trong đó có 518.046 ca tử vong.
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại New York, Mỹ ngày 15/5 vừa qua trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại New York, Mỹ ngày 15/5 vừa qua trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 2/7 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 10.793.056 ca; trong đó có 518.046 ca tử vong.

Các nước cũng ghi nhận 5.930.037 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 57.968 và 4.287.005 ca đang điều trị tích cực.

Dịch bệnh tiếp tục lây lan nghiêm trọng tại Mỹ, trong khi khu vực Trung Đông đang nổi lên là điểm nóng.

Cũng theo số liệu của worldometers.info, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 2.778.164 người nhiễm và 130.789 người tử vong.

Trong khi đó, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến 7 giờ 30 phút sáng 2/7 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 52.898 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.682.270 ca.

Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất tại Mỹ kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở nước này vào ngày 21/1 vừa qua. 

Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn cả tại các bang Texas, Florida và Arizona.

Trong ngày 1/7, bang Texas một lần nữa ghi nhận số ca nhiễm trong ngày với 8.076 ca trong bối cảnh các thị trưởng kêu gọi chính quyền bang rút lại các kế hoạch mở cửa trở lại.

Truyền thông Mỹ đưa tin bang Florida trong ngày 1/7 ghi nhận thêm 6.563 ca nhiễm, với tỷ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính với virus này lên tới 15%, trong khi tỷ lệ trung bình trên cả nước Mỹ là 7%, theo báo cáo mới nhất của Đại học Johns Hopkins.

Bang Arizona có thêm 4.878 ca nhiễm mới và 88 ca tử vong - mức tăng theo ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát. Arizona là một trong số các bang của Mỹ mở cửa trở lại sớm hơn so với nhiều bang khác.

[Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về COVID-19]

Nhà chức trách bang này thông báo trong 7 ngày qua, mỗi ngày có 2.516 bệnh nhân COVID-19 nhập viện, tăng gần 35% so với một tuần trước đó.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chính quyền bang Arizona đã thu hồi kế hoạch mở cửa trở lại; theo đó tiếp tục đóng cửa các quán rượu, phòng tập thể thao, rạp chiếu phim và công viên nước.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại các nước khu vực Nam Mỹ vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt Brazil trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 46.712 ca nhiễm và 1.038 ca tử vong.

Đáng lưu ý, số ca tử vong tăng vọt tại miền Nam và Trung Tây Brazil với mức tăng lần lượt là 37% và 36%. Sao Paolo vẫn là tâm dịch COVID-19 ở Brazil.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hạ viện Brazil đã thông qua sửa đổi Hiến pháp hoãn các cuộc bầu cử địa phương đến tháng 11 tới, thay cho thời gian đã ấn định trước đó một tháng.

Cùng ngày 1/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo khu vực Trung Đông đang ở thời điểm quyết định để chống đại dịch COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại khu vực này tăng vọt sau khi nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Theo báo cáo của WHO, 22 nước từ Maroc đến Pakistan đã ghi nhận tổng cộng 1.077.706 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 24.973 ca tử vong.

Người đứng đầu WHO tại Trung Đông Ahmed Al Mandhari kêu gọi các nước tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe để ứng phó với dịch bệnh.

Ông Ahmed Al Mandhari đặc biệt lưu ý số ca nhiễm riêng trong tháng 6 cao hơn tổng số ca nhiễm ghi nhận trong 4 tháng kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại khu vực này vào ngày 29/1 vừa qua.

Tình hình dịch COVID-19 sáng 2/7: Mỹ vẫn ghi nhận 52.898 ca nhiễm mới ảnh 1Du khách thăm Tượng Nhân sư ở Giza, Ai Cập, ngày 1/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo WHO, hơn 80% các ca tử vong tại khu vực này được ghi nhận tại 5 nước Ai Cập, Iran, Iraq, Pakistan và Saudi Arabia.

Ngày 2/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có một ca lây nhiễm trong nước phát hiện tại thủ đô Bắc Kinh.

Không có thêm ca tử vong nào ở Trung Quốc đại lục trong ngày 1/7.

Như vậy, tính đến hết ngày 1/7, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.537 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân được xuất viện sau khi bình phục là 78.487 người

Trong khi đó, theo TTXVN tại Seoul, sáng 2/7, Trung tâm Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 54 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 trong nước lên 12.904 ca.

Tin vui là không có thêm ca tử vong nào ở Hàn Quốc trong khi đã có thêm 71 bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 11.684 ca.

Trước đó, ngày 22/6 vừa qua, KCDC cho biết khu vực Seoul và vùng phụ cận đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, theo đó cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống dịch COVID-19 kéo dài.

Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng lệnh giãn cách xã hội vào ngày 6/5 vừa qua, tại nước này xuất hiện các cụm lây nhiễm lẻ tẻ.

Theo số liệu thống kê mới nhất, khu vực đô thị Seoul chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới được ghi nhận trong hai tuần cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu vừa qua.

Đây cũng là lý do khiến các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo có thể xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trên quy mô toàn quốc.

Tình hình dịch COVID-19 sáng 2/7: Mỹ vẫn ghi nhận 52.898 ca nhiễm mới ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 27/6 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản mới đây cho biết Tokyo có thể sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại trong tình huống số người nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng mạnh tại nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính quyền đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh khi số người nhiễm bệnh đang tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây.

Ông nhận định tình hình hiện nay chưa đến mức phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại, nhưng chính quyền trung ương và các địa phương sẽ tiếp tục giữ đề phòng cao độ với diễn biến của dịch bệnh để đồng thời vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục lại các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cũng để ngỏ khả năng nước này sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại trong tình huống xấu nhất nếu các nỗ lực này không thể ngăn chặn đà tăng của số người nhiễm bệnh.

Trong tình huống đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định quan trọng này trên cơ sở đánh giá tổng hợp về số người nhiễm bệnh, tốc độ lây lan, đường lây nhiễm của các bệnh nhân và thực trạng tại các cơ sở y tế và tham khảo ý kiến của giới chuyên gia y tế.

Nhằm đối phó với dịch bệnh, Hiệp hội Điều dưỡng, y tá Nhật Bản đã kêu gọi một số cựu bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá, chuyên viên tư vấn sức khỏe quay đã nghỉ việc trở lại làm việc trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19.

Đến nay, đã có khoảng 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc đã đồng ý trở lại làm việc và số người này chủ yếu sẽ được phân công chăm sóc những người mắc bệnh ở thể nhẹ đang được cách ly và điều trị tại các cơ sở lưu trú bên ngoài.

Hiệp hội Điều dưỡng, y tá Nhật Bản cho biết hệ thống y tế hiện nay vẫn chưa đến mức quá tải nhưng đây là sự chuẩn bị cần thiết cho làn sóng dịch bệnh thứ 2, thứ 3 có thể quay trở lại.

Chỉ tính riêng trong ngày 1/7, đã có thêm 127 người nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản, trong đó riêng Tokyo là 67 người.

Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Tokyo có số người nhiễm bệnh trên 50 người và là đợt có số người tăng mạnh nhất kể từ khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ từ cuối tháng Năm vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục