Top Glove bị cáo buộc khiến hàng nghìn lao động bị lây nhiễm COVID-19

Top Glove đã bị cáo buộc 10 tội danh về không cung cấp nơi ở đạt chuẩn cho lao động của hãng. Hơn 5.000 lao động nhập cư làm việc trong các nhà máy của Top Glove đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Top Glove bị cáo buộc khiến hàng nghìn lao động bị lây nhiễm COVID-19 ảnh 1Công nhân tại Top Glove. (Nguồn: Rojakdaily)

Hãng thông tấn Bernama của Malaysia ngày 16/3 đưa tin công ty Top Glove, nhà sản xuất găng cao su hàng đầu thế giới, bị cáo buộc cung cấp nhà ở không đạt tiêu chuẩn cho công nhân, sau khi hàng nghìn nhân viên của hãng đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 vào năm ngoái.

Năm 2020, lợi nhuận và giá cổ phiếu của doanh nghiệp Malaysia này đã tăng mạnh khi các nước đổ xô mua thiết bị bảo hộ do dịch COVID-19 bùng phát.

Dịch bệnh sau đó đã lan tới các khu nhà tập thể của công nhân, khiến hơn 5.000 lao động nhập cư, chủ yếu tới từ Nam Á, làm việc trong các nhà máy của Top Glove mắc bệnh. Tại các khu nhà này, nhiều công nhân đã phải chen chúc sinh hoạt chung trong một căn phòng.

Dịch COVID-19 đã buộc Top Glove phải tạm thời đóng cửa hơn một nửa số nhà máy tại Malaysia, khiến việc giao hàng bị chậm trễ và đẩy giá hàng tăng vọt. 

Qua điều tra, Top Glove đã bị cáo buộc 10 tội danh về không cung cấp nơi ở đạt chuẩn cho lao động tại thành phố Ipoh, Tây Bắc Malaysia. Theo luật Malaysia, doanh nghiệp cần phải có chứng nhận về cung cấp chỗ ở đạt chuẩn cho người lao động.

[COVID-19: Ukraine ghi nhận biến thể virus SARS-CoV-2 mới nguy hiểm hơn]

Các cáo buộc này được đưa ra khi nhà chức trách tiến hành kiểm tra khu nhà tập thể của công nhân tại Ipoh vào tháng 11/2020, và các khu nhà tương tự khác trên cả nước. Top Glove sẽ đối mặt với mức phạt lên tới 50.000 ringgit (12.000 USD) cho mỗi cáo buộc.

Với 21.000 nhân viên, Top Glove có thể sản xuất 90 tỷ chiếc găng cao su/năm. Công ty khẳng định đang nỗ lực cải thiện tình hình bằng cách chi hàng triệu USD để nâng cấp nơi ở cho người lao động.

Tuy nhiên, vụ bê bối đã làm gia tăng áp lực đối với doanh nghiệp này, sau khi Mỹ cấm nhập khẩu một số sản phẩm của hãng do các cáo buộc về lao động cưỡng ép vào năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục