TP.HCM chủ động đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, Thành phố triển khai sớm và đạt các yêu cầu về thay sách giáo khoa, giáo viên được tập huấn trực tuyến.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 21/7, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố.

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố đã triển khai sớm và đạt các yêu cầu về thay sách giáo khoa như tập huấn giáo viên theo hình thức cuốn chiếu, bước đầu là giáo viên dạy lớp 1 trong năm học 2020-2021; giáo viên được tập huấn trực tuyến theo phương pháp và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, Sở đang tiến hành bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sử dụng sách giáo khoa, do số lượng giáo viên lớn nên đợt bồi dưỡng sẽ tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ 29/7-2/8 tới.

Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, đa số các trường chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, với khoảng hơn 80%. Mỗi trường đều có hội đồng sách độc lập và tôn trọng quyền chọn sách của giáo viên nhằm đảm bảo việc chọn sách được khách quan và minh bạch.

Về đội ngũ giảng dạy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ Thành phố đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh và Tin học đang thiếu số lượng lớn. Hai môn học này chưa có vị trí việc làm và thường xuyên biến động.

[TP.HCM công khai, minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa lớp 1]

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, Thành phố thiếu hàng trăm giáo viên, Sở đã kiến nghị nhiều lần và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hứa sẽ bổ sung đề án vị trí việc làm hai môn này trong biên chế giáo viên trường tiểu học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng bày tỏ băn khoăn việc một số quận chưa đáp ứng được cơ sở vật chất cho giáo dục như Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, quận 12; việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại các quận này chỉ đạt 70%, dẫn đến thiệt thòi cho học sinh khi theo học chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã đạt 291 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi), gần đạt mốc 300 phòng học/10.000 dân số theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X. Tuy nhiên, cục bộ từng quận, huyện còn thấp, có những quận, huyện chỉ có 230 phòng học/10.000 dân số, không đáp ứng được việc tổ chức 2 buổi/ngày theo như thiết kế của chương trình.

Cũng tại buổi giám sát, trao đổi về nội dung giáo dục thông minh, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết hệ thống giáo dục thông minh thể hiện qua ứng dụng trên cơ sở công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Hiện tại, địa bàn Thành phố có Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã đưa vào chương trình giảng dạy. Nền tảng của giáo dục thông minh là hệ thống cơ sở Internet đầy đủ, hơn 2000 cơ sở giáo dục đều đã có cổng thông tin điện tử.

TP.HCM chủ động đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông ảnh 1Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Hàng ngày, thông tin từ Sở đến trường và ngược lại không còn thực hiện thủ công bằng giấy. Đặc biệt, tất cả học sinh đều có mã định danh trên hệ thống quản lý của ngành giáo dục và đào tạo, giúp ngành giám sát được hoạt động học tập, chuyển trường, xin nghỉ học…

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có Trung tâm điều hành giáo dục thông minh, lưu trữ mọi thông tin giáo viên, trình độ đội ngũ, cơ sở vật chất, hoạt động các trường, giúp Sở dễ dàng trích xuất thông tin khi cần; giáo dục thông minh đã giúp cho việc giảng dạy, quản lý hồ sơ của giáo viên nhẹ nhàng, hiện đại hơn, công tác quản lý đạt hiệu quả, chính xác cao.

Mỗi năm, Sở tổ chức khoảng 600 khóa bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận Thành phố đã chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa bảo đảm tiến độ; đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cần tích cực hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chú trọng tuyên truyền sâu rộng, nhằm khơi dậy sự quan tâm của xã hội cho lĩnh vực giáo dục, tạo hiệu ứng tích cực để tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình năm học 2020-2021 từ lớp 1 và những năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục