Trong những năm gần đây, chứng tự kỷ đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng mỗi năm một cao, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, giàu nghèo. Điều đó đã làm cho chứng tự kỷ không còn chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là vấn đề về sự phát triển.
Hiện nay, Việt Nam chưa có con số thống kê chính xác là có bao nhiêu trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng số trẻ bị mắc bệnh được đưa đến bệnh viện khám, hoặc tham gia các câu lạc bộ ngày càng gia tăng.
[Ra mắt bộ sách hướng dẫn cách chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ]
Gần đây, có nhiều luồng thông tin cho rằng trẻ bị tự kỷ do cha mẹ thiếu quan tâm và do nguyên nhân trẻ sử dụng nhiều smartphone, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, quan niệm cho rằng cho con xem điện thoại nhiều, mẹ thiếu quan tâm đến con là nguyên nhân của tự kỷ là một quan niệm lạc hậu và sai lầm. Quan niệm "Bà mẹ tủ lạnh" là nguyên nhân làm cho con tự kỷ phổ biến ở các nước Âu, Mỹ trong những năm 60, 70 nhưng ngày nay đã hoàn toàn bị bác bỏ.
Giáo sư Liêm phân tích, nguyên nhân tự kỷ là vấn đề phức tạp vẫn được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Một số yếu tố đã được xác định: khoảng 25% trẻ có đột biến gen (đột biến gen không hoàn toàn có nghĩa là di truyền do bố mẹ truyền cho), các phản ứng miễn dịch trong não diễn ra quá mạnh giải phóng ra một số chất có hại cho tế bào thần kinh, một số vùng của não nhất là vùng thái dương được tưới máu không tốt, dẫn truyền/kết nối giữa các vùng của não bộ không tốt.
Theo các nhà nghiên cứu việc phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ sẽ giúp trẻ sớm hòa nhập cuộc sống tốt hơn, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời của trẻ, để lại những di chứng rất khó chữa. Do vậy, cha mẹ cần quan tâm trò chuyện với trẻ nhiều hơn để phát hiện sớm và đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện.
Việc hiểu đúng về người có chứng tự kỷ sẽ giúp cộng đồng thay đổi cách nhìn nhận về đối tượng này./.