Trở lại Hiệp định Paris về khí hậu, Mỹ gieo hy vọng cho thế giới

Trong khi sự trở lại của Mỹ đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mang nặng tính biểu tượng, các nhà lãnh đạo thế giới nói rằng họ mong đợi Mỹ chứng tỏ sự nghiêm túc của mình đối với mục tiêu.
Trở lại Hiệp định Paris về khí hậu, Mỹ gieo hy vọng cho thế giới ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters/AP, khi Mỹ chính thức trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào cuối tuần trước, kỳ vọng đang tăng lên rằng Washington sẽ tăng cường tài trợ để giúp các nước nghèo áp dụng năng lượng sạch và thích ứng với thời tiết khắc nghiệt hơn do hành tinh ấm lên.

Dưới thời ông Donald Trump, người hoài nghi về biến đổi khí hậu, chính phủ Mỹ đã cung cấp tài chính cho những việc như xây dựng hệ thống điện Mặt Trời ở châu Phi và bảo vệ người dân trước bão và lũ lụt ở châu Á, như một phần trong viện trợ phát triển quốc tế của nước này.

Tuy nhiên, ông Trump đã rút khỏi hiệp định này và từ chối chuyển 2/3 giá trị trong khoản 3 tỷ USD mà người tiền nhiệm cam kết cung cấp cho Quỹ Khí hậu Xanh, được thiết lập trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc nhằm giúp các quốc gia đang phát triển giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu.

Các nhóm môi trường mới đây đã gửi một bản kiến nghị có chữ ký của hơn 50.000 người dân Mỹ, thúc giục chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden thực hiện "chia sẻ công bằng" trong việc cắt giảm khí thải và cung cấp tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Brandon Wu - Giám đốc chính sách tại Action Aid USA, một nhóm vận động vì môi trường - nói rằng, với tư cách là nước phát thải lâu dài và lớn nhất, Mỹ có trách nhiệm đạo đức và pháp lý để giúp đỡ các cộng đồng dễ bị tổn thương hiện đang chịu gánh nặng bởi thời tiết khắc nghiệt và nước biển dâng trong bối cảnh toàn cầu đang nóng lên.

Đầu tháng này, ActionAid USA và 45 cơ quan phát triển khác và các nhóm xanh đã gửi một bức thư ngỏ kêu gọi chính phủ của Tổng thống Biden cam kết và ủng hộ việc trích lập ít nhất 8 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh.

[LHQ hoan nghênh Mỹ tham gia trở lại Hiệp định biến đổi khí hậu Paris]

Số tiền đó còn bao gồm 2 tỷ USD, tăng gấp đôi số cam kết ban đầu của Mỹ trong ba năm tới, phù hợp với cam kết của các chính phủ giàu có khác như Pháp và Đức.

Họ còn cho biết chính phủ Mỹ nên cung cấp 400 triệu USD trong 4 năm cho Quỹ Thích ứng, một quỹ liên kết khác của Liên hợp quốc nhằm tăng cường khả năng chống biến đổi khí hậu ở các quốc gia nghèo. Điều đó sẽ đánh dấu khoản đóng góp đầu tiên của Mỹ cho quỹ này.

Nhiều người hy vọng rằng chính phủ của Tổng thống Biden sẽ bù đắp được khoảng thời gian mất mát sau khi Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry trong tháng Một vừa qua đã nhấn mạnh rằng nước Mỹ sẽ "thực hiện tốt" cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu, song không nói rõ khi nào hoặc bằng cách nào.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ chuyển số tiền mà ông Trump giữ lại cho Quỹ Khí hậu Xanh.

Trong một sắc lệnh hành pháp về biến đổi khí hậu được ký vào ngày 27/1, ông Biden cũng đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ xây dựng kế hoạch tài chính chống biến đổi khí hậu để giúp các nước đang phát triển giảm lượng khí thải, bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng và xây dựng năng lực chống chọi trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Kế hoạch này dự kiến sẽ được đệ trình vào cuối tháng 4/2021, nhưng các chuyên gia hy vọng nó sẽ được hoàn tất trước khi ông Biden triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của các quốc gia phát thải lớn vào ngày 22/4 tới.

Joe Thwaites, chuyên gia tài chính thuộc Viện Tài nguyên Thế giới có trụ sở tại Washington cho rằng các cam kết đối với các quỹ khí hậu cụ thể có thể được công bố trước hoặc trong lúc kế hoạch này được hoàn thành, nhưng điều này cũng sẽ cung cấp một cái nhìn rộng hơn về cách Mỹ dự định tiếp cận tài chính khí hậu trong nhiệm kỳ của ông Biden.

Sự thiếu hụt tài chính về chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc tiếp cận các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, là một điểm mấu chốt lớn trong các cuộc đàm phán về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Tháng 12/2020, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo các chính phủ giàu có đang "tụt hậu một cách tồi tệ" với cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 trở đi để giúp các quốc gia nghèo hơn phát triển sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông chỉ ra một báo cáo mới của các chuyên gia tài chính khí hậu ước tính rằng cam kết 100 tỷ USD sẽ không được thực hiện đúng hạn. Do sự chậm trễ trong cách các chính phủ báo cáo về tài trợ khí hậu quốc tế, tổng số được cung cấp trong năm 2020 có thể không được công bố cho đến đầu năm 2022.

Số liệu mới nhất do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố tháng 11/2020 cho thấy tài chính chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển đã tăng 11% lên 79 tỷ USD vào năm 2018 - so với mục tiêu năm 2020 còn thiếu khoảng 20 tỷ USD.

Vào tháng 1/2021, theo Sáng kiến Chính sách Khí hậu, tài chính cho việc thích ứng biến đổi khí hậu - vốn được coi là rất thiếu - có thể đã giảm vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 tấn công ngân sách.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế ngày 18/2 đã viết trên tạp chí Nature Climate Change rằng sự mơ hồ của cam kết ban đầu trị giá 100 tỷ USD và "những tuyên bố đáng ngờ" của các nhà tài trợ về những đóng góp của họ "khiến không thể biết liệu các quốc gia phát triển đã thực hiện hay chưa."

Họ kêu gọi đàm phán về một mục tiêu tài chính khí hậu mới - bắt đầu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc (COP26) vào tháng 11 tới - để đặt ra các quy tắc rõ ràng về những gì có thể được tính. Mục tiêu mới, có hiệu lực từ năm 2025, nên được quyết định theo cách có trách nhiệm và xây dựng lòng tin, cũng như dựa trên "những đánh giá thực tế về nhu cầu của các nước đang phát triển."

Ngoài ra, "kế hoạch thực sự" cần được lập ra để đáp ứng các mục tiêu tài trợ mới, chẳng hạn như khai thác tài chính đổi mới như thuế đánh vào hành khách hàng không quốc tế và nhiên liệu vận chuyển.

Những khó khăn phía trước đối với tân Tổng thống Biden

Các nhà lãnh đạo thế giới hoan nghênh việc Mỹ chính thức quay trở lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng các bước đi phức tạp hơn về mặt chính trị đang chờ Tổng thống Joe Biden, bao gồm việc đặt ra mục tiêu quốc gia trong những tháng tới là cắt giảm lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch gây hại.

Và ngay cả khi ông Biden lưu ý trong ngày đầu tiên đưa Mỹ trở lại hiệp định này, sự nóng lên nguy hiểm của Trái Đất chỉ là một trong những vấn đề cấp bách mà ông nêu ra trong bài phát biểu trực tuyến trước các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 19/2 vừa qua, một tháng sau khi ông nắm quyền.

Trước khi nói về các vấn đề khí hậu, ông Biden đã đề cập đến đại dịch toàn cầu, các nền kinh tế bị xáo trộn và mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.

Ông Biden đã ký một lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức của mình, đảo ngược lệnh rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Donald Trump.

Về mặt chính thức, Mỹ đã nằm ngoài hiệp định này trong 107 ngày. Đó là một phần trong việc ông Trump rút khỏi “lòng trung thành toàn cầu” nói chung và quan điểm sai lầm của ông ta khi cho rằng sự nóng lên toàn cầu là một “sai lầm nực cười” của các nhà khoa học trên thế giới.

Nói rộng hơn, ông Trump đã đảo ngược các sáng kiến từ thời ông Obama nhằm kiềm chế phát thải dầu, khí đốt và than đá, đồng thời khai mở các vùng đất và vùng biển mới của liên bang để thăm dò và khai thác.

Ông Biden đang nỗ lực lật ngược các biện pháp đó và còn cam kết làm lại mạng lưới điện, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng khác của Mỹ trị giá 2.000 tỷ USD để cắt giảm mạnh ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi sự trở lại của Mỹ đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mang nặng tính biểu tượng, các nhà lãnh đạo thế giới nói rằng họ mong đợi Mỹ chứng tỏ sự nghiêm túc của mình đối với mục tiêu.

Họ đặc biệt háo hức với việc Mỹ công bố mục tiêu quốc gia mới đến năm 2030 về cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, mục tiêu mà các nhà khoa học đồng ý là đang làm thay đổi khí hậu Trái Đất và làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, bão, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục