Trung Quốc vượt Mỹ trong cuộc đua hạn chế “sự chi phối” của AI?

Quốc vụ viện Trung Quốc xem AI là một lĩnh vực trọng yếu trong cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc và vào năm 2017 đã vạch ra kế hoạch để đưa Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030.
Trung Quốc vượt Mỹ trong cuộc đua hạn chế “sự chi phối” của AI? ảnh 1(Nguồn: nikkei.com)

Theo trang mạng scmp.com, mỗi ngày, các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng tới những gì hàng tỷ người xem, cách họ làm việc, mua sắm và suy nghĩ.

Trung tâm Công nghệ Nhân đạo, một tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng dù vốn dĩ không có hại, việc cạnh tranh để giành sự chú ý của công chúng trên các nền tảng như Meta, YouTube và Twitter, xét ở nhiều khía cạnh đã “hạ cấp” nhân loại và kích động “'cuộc chạy đua đến tận cùng của não bộ… để thu hút sự chú ý bằng cách tấn công vào não bò sát.”

Tại Mỹ, các phiên điều trần của Quốc hội nói với công chúng rằng “sự hạ cấp nhân loại” này là do những gã khổng lồ truyền thông xã hội không xem sự thật hay công lý là lợi ích hàng đầu của công chúng. Thay vào đó, để tối đa hóa lợi nhuận, mô hình kinh doanh của họ được xây dựng nhằm kích thích và thu hút người dùng đến với nội dung mà họ phát triển, từ đó gây ra những quan điểm bất đồng và mâu thuẫn về những vấn đề vốn đã rất nhiều chia rẽ.

Các phiên điều trần này đã chỉ ra cách các thuật toán AI trên mạng xã hội củng cố tư duy nhóm để thu hút sự chú ý của công chúng, điều càng khiến tin giả tràn lan.

Thượng viện Mỹ đã tiến hành một phiên điều trần về “công nghệ thuyết phục” vào tháng 6/2019 và một phiên điều trần khác về các thuật toán truyền thông xã hội hồi tháng 4/2021. Cả hai sự kiện này đều đem đến một cái nhìn sâu sắc về tác hại diện rộng mà các thuật toán AI gây ra cho xã hội.

[Các xu hướng công nghệ chính sẽ hình thành trong năm 2022]

“Mặt tối” của AI là gốc rễ của nhiều vấn đề liên quan, trong đó có tin giả và thiếu lòng tin. Nhiều nghiên cứu tương đương cho rằng AI và các công nghệ thuyết phục khác có mối liên hệ với các tác hại đáng kể, nhất là với những cộng đồng thiểu số.

Sự lệ thuộc quá mức vào mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ đối với trẻ em ở lứa tuổi chuẩn bị tới trường, trong khi nữ giới vị thành niên có nhiều nguy cơ tự tử. AI có thể có ảnh hưởng lớn tới thói quen và xu hướng của người dùng, cho dù những điều này không đem lại lợi ích cho họ.

Người trưởng thành cũng có những rủi ro nhất định. “Nghiện” mạng xã hội có thể làm “mòn” chất xám, chưa nói đến tác động của việc khai thác các thuật toán từ các doanh nghiệp như Amazon và thuật toán phân biệt đối xử người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra là các chính phủ giải quyết như thế nào những tác hại mà cuộc đua AI gây ra cho xã hội?

Những vấn đề liên quan đến AI có tác động trên phạm vi toàn cầu và giờ lan sang cả cuộc đua công nghệ Mỹ-Trung Quốc, Bắc Kinh rõ ràng đã nhận thức được những vấn đề này. Quốc vụ viện Trung Quốc xem AI là một lĩnh vực trọng yếu trong cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc và vào năm 2017 đã vạch ra kế hoạch để đưa Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030.

Chính phủ Trung Quốc cũng có những động thái phản ứng trước tác động của AI đối với hệ sinh thái an ninh mạng. Ứng dụng giao thức ăn Meituan đã bị giới chức “sờ gáy” vì sử dụng AI điều phối giao hàng bất chấp điều kiện thời tiết hoặc giao thông nguy hiểm để buộc nhân viên giao hàng đúng giờ.

Nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com bị chỉ trích vì dùng thuật toán định giá khiến những khách hàng trung thành thực tế phải trả giá cao hơn. Trung Quốc gần đây cũng đã giới hạn thời gian giới trẻ có thể dành cho trò chơi điện tử xuống còn 3 giờ mỗi tuần.

Trung Quốc vượt Mỹ trong cuộc đua hạn chế “sự chi phối” của AI? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Tháng 8/2021, các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã công bố dự thảo quy tắc và các hướng dẫn chính sách ngay tháng 9/2021 để kiểm soát việc sử dụng thuật toán của các công ty công nghệ. Một bộ hướng dẫn về đạo đức AI cũng đã được ban hành.

Theo dự thảo công bố hồi tháng 8/2021, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc có quyền điều chỉnh việc sử dụng thuật toán mà các doanh nghiệp sử dụng để đề xuất video và nội dung trực tuyến khác. Mặc dù mức chế tài được đề xuất khá khiêm tốn (chưa tới 5.000 USD), song các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải đảm bảo thuật toán tuân thủ nguyên tắc đạo đức, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của con người và quyền tự do lựa chọn của người dùng. 

Các chính sách và quy định này góp phần củng cố mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là đưa Trung Quốc trở thành một “siêu cường an ninh mạng” và - cùng với các nguyên tắc đạo đức - thừa nhận tiềm năng thay đổi tích cực của AI.

Các nguyên tắc về thuật toán “tạo điều kiện tận dụng tối đa các thuật toán để truyền đi những năng lượng tích cực” và tìm cách khuyến khích các doanh nghiệp đi theo hướng này. Đây là thực tế trái ngược với những yếu tố tiêu cực mà việc nghiện mạng xã hội cũng như trò chơi trực tuyến mang lại.

Đạo đức trong việc sử dụng AI có giá trị tham khảo quan trọng trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các thể chế khác cải thiện các chuẩn mực đạo đức.

Trung Quốc và các nền dân chủ phương Tây có hệ thống quản trị rất khác nhau, câu hỏi là làm thế nào để các nền dân chủ phương Tây có thể phản ứng một cách nhất quán với các quy ước và chuẩn mực quản trị của Trung Quốc?

Trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành vị trí lãnh đạo toàn cầu, việc vừa kiềm chế tác hại của truyền thông xã hội và AI, vừa đồng thời khai thác tiềm năng của những công nghệ và nền tảng này một cách hiệu quả, vốn đã là một đấu trường khốc liệt.

Trung Quốc dường như đã nhận ra rằng bằng cách kiểm soát tác hại của AI và điện thoại thông minh đối với con người, họ có thể tạo thế cân bằng trong cuộc đua này. Vấn đề là liệu phương Tây có nhận ra điều đó hay không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục