Ngày 20/1, cảnh sát Tunisia đã phải dùng hơi cay để giải tán hàng nghìn người biểu tình đòi việc làm tại thành phố nghèo Kasserine, trong khi các cuộc biểu tình nhỏ lẻ đã nổ ra tại thủ đô Tunis và ít nhất 8 địa điểm khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, những người biểu tình đã đốt lốp xe và hô vang khẩu hiệu "Việc làm, tự do, nhân phẩm" trong ngày thứ hai diễn ra các cuộc biểu tình làm tê liệt trung tâm thành phố Kasserine, sau khi một người tự sát vì không có việc làm.
Trước đó, ngày 19/1, nhà chức trách Tunisia đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại đây sau các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và hơn 1.000 người biểu tình đòi việc làm, khiến 20 người biểu tình và 3 cảnh sát bị thương.
Căng thẳng đã gia tăng tại Kasserine kể từ ngày 17/1, một ngày sau khi một thanh niên tự tử do không được nhận vào làm việc trong một cơ quan chính phủ. Vụ việc này khiến người ta liên tưởng tới sự kiện dấy lên cái gọi là phong trào "mùa Xuân Arab" xảy ra vào năm 2011 ở Tunisia, khi một người bán hàng rong trẻ tuổi tự thiêu gây nên một làn sóng giận dữ buộc nhà lãnh đạo lâu năm Zine El-Abidine Ben Ali phải chạy trốn và phong trào phản đối chính quyền lan ra cả khắp thế giới Arab.
Trong khi đó, biểu tình cũng diễn ra tại các thành phố Seliana, Tahala, Feriana và Sbiba... cũng như tại thủ đô Tunis.
Mặc dù, Tunisia có sự thay đổi về thể chế khi Tổng thống Ben Ali bị lật đổ, nhiều người dân vẫn lo lắng về tình trạng thất nghiệp, chi phí sinh hoạt cao, cũng như trào lưu di dân ra thành phố.
Tunisia là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao trong khu vực Bắc Phi.
Hiện tỷ lệ thất nghiệp của nước này là hơn 15,3%, và 32% số người có bằng đại học không tìm được việc làm. Trong khi đó, ba vụ tấn công của các chiến binh Hồi giáo vũ trang trong năm ngoái - vụ nổ súng tại một khách sạn du lịch và một bảo tàng ở Tunis, cộng thêm một vụ đánh bom liều chết nhằm vào quân đội ở thủ đô - đã làm tổn thương nền kinh tế Tunisia, đặc biệt là ngành công nghiệp du lịch./.