Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đạt 424%, cao nhất hệ thống

Năm 2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,63%, trong đó tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đạt 424%, cao nhất hệ thống ảnh 1Giao dịch tại Vietcombank. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 10/1/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tính đến hết năm 2021, Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 424%, cao nhất toàn hệ thống đến thời điểm này. Huy động vốn thị trường 1 (diễn ra các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và dân cư) đạt 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020.

[Giá trị Vietcombank đứng đầu tốp 25 công ty thương hiệu tài chính]

Dư nợ tín dụng đạt 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020, góp phần cung ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế đồng thời tuân thủ giới hạn tăng trưởng tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,63%, trong đó tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%.

Vietcombank cũng đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 - sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, một số chỉ tiêu khác đều đạt kết quả cao như doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng 19,2% so với 2020; doanh số mua bán ngoại tệ tăng 13,2% so với năm 2020; doanh số thanh toán quốc tế và thanh toán thương mại tăng 23,7% so với năm 2020. Thị phần thanh toán quốc tế và thanh toán thương mại ở mức 15,36%; lợi nhuận trước thuế đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao trong năm 2021; thu hồi nợ ngoại bảng đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2020; chỉ số ROAA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROAE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) tăng cao so với 2020, đạt mức 1,6% và 21%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc phụ trách Vietcombank cho biết năm 2021, mặc dù tiếp tục đối mặt với những diễn biến bất thường của môi trường kinh tế-xã hội, Vietcombank đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công “đa mục tiêu” vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục vừa chia sẻ khó khăn với khách hàng và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Cũng trong năm 2021, tổng dư nợ được hỗ trợ được ngân hàng miễn giảm lãi suất cho vay đạt 680.000 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất năm 2021 đạt 7.100 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với hỗ trợ trong năm 2020).

Tổng dư nợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 10.540 tỷ đồng (dư nợ gốc 9.410 tỷ đồng và dư nợ lãi 1.130 tỷ đồng). Tổng số tiền lãi lũy kế hỗ trợ khách hàng năm 2020-2021 là 10.800 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đóng góp cho công tác an sinh xã hội, phòng chống dịch COVID-19 gần 723 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng.

Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8 so với năm 2021; huy động vốn thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tín dụng tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021./.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đạt 424%, cao nhất hệ thống ảnh 2
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục