Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh qua các năm

So với năm 2009, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường năm 2014 đã giảm một nửa. Rào cản chính của việc trẻ em đến trường vẫn là kinh tế.
Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh qua các năm ảnh 1Kinh tế khó khăn, trường lớp thiếu thốn là rào cản lớn nhất với việc đến trường của trẻ. (Ảnh: TTXVN)

So với năm 2009, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường năm 2014 đã giảm một nửa. Rào cản chính của việc trẻ em đến trường vẫn là kinh tế.

Đây là thông tin vừa được đưa ra tại “Hội thảo Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2016”. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UNICEF tổ chức sáng nay, ngày 23/1, tại Hà Nội.

Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh

“Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2016” là bản cập nhật của “Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2013”. Trong đó, số liệu nghiên cứu năm 2013 là số liệu của năm 2009, số liệu sử dụng trong nghiên cứu năm 2016 là số liệu năm 2014.

Báo cáo được phân tích chung cả nước và 6 tỉnh, thành phố được chọn để phân tích sâu, gồm Lào Cai, Ninh Thuận, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và An Giang.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trẻ ngoài nhà trường năm 2014 đã giảm mạnh so với năm 2009.

Cụ thể, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi ngoài nhà trường năm 2014 là 6,7%, tương đương với khoảng 99.200 em, giảm gần một nửa so với con số 12,2% của  năm 2009.

Tương tự, tỷ lệ trẻ em từ 6 đến 10 tuổi ngoài nhà trường năm 2009 là 4% thì đến năm 2014, con số này còn 2,5%, tương đương với khoảng 180.500 em.

Tỷ lệ trẻ em từ 11 đến 14 tuổi ngoài nhà trường năm 2014 là 8,1%, giảm khoảng 1/3 soi với tỷ lệ 11,2% của năm 2009.

Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh qua các năm ảnh 2Biểu đồ thể hiện tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường trong hai năm 2009 và 2014. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tổng số trẻ em ngoài nhà trường ở lứa tuổi từ 5 đến 14 tuổi năm 2009 là trên 1 triệu em. Năm 2014, con số này còn 715.400 em, giảm 36,5%.

Tỷ lệ trẻ em không được đến trường ở nông thôn cao hơn thành thị và ở độ tuổi càng cao, sự chênh lệch này càng lớn. Năm 2014, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở nông thôn cao hơn ở thành thị 1,5 lần ở độ tuổi tiểu học và cao hơn 1,7 lần ở độ tuổi trung học cơ sở.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nơi có tỷ lệ trẻ ngoài nhà trường cao nhất không phải vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như miền núi, trung du phía Bắc hay Tây Nguyên mà là Đồng bằng sông Cửu Long với 14,7% ở trẻ 5 tuổi (gấp 6 lần khu vực đồng bằng sông Hồng), 4,2% ở bậc tiểu học và 14% trẻ ở độ tuổi trung học cơ sở. 

Đồng bằng sông Hồng là nơi có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường thấp nhất cả nước, chỉ 2,5% ở độ tuổi 5 tuổi; 0,8% ở độ tuổi tiểu học và 2% ở độ tuổi trung học cơ sở.

Kinh tế là rào cản lớn nhất

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, so với năm 2009, tuy tình trạng nghèo đói đã giảm qua các năm nhưng kinh tế vẫn tiếp tục là rào cản chủ yếu ngăn trẻ em đến trường.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ xã có học sinh bỏ học hoặc không đi học do kinh tế khó khăn giảm từ 73-78% trong năm học 2001-2002 xuống còn 60-62% trong năm học 2009-2010, xuống 53-58% trong năm học 2013-2014. Như vậy vẫn còn hơn một nửa số xã trên toàn quốc có học sinh ở cả ba cấp học bỏ hoặc hoặc không đi học do nghèo đói. 

[Dự án 13 tỷ đồng hỗ trợ giáo dục cho học sinh miền núi Lai Châu]

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường của nhóm 20% dân số nghèo nhất tuy đã giảm từ 18% năm 2006 xuống còn 15,2% năm 2014 nhưng vẫn cao gấp hơn 12 lần con số này ở nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất (1,2%).

Rào cản kinh tế trên trầm trọng hơn đối với các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng này. 

Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh qua các năm ảnh 3Biểu đồ thể hiện tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường theo các vùng. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nghèo đó, trẻ em phải lao động sớm, đi di cư và càng không có cơ hội đến trường. Tỷ lệ các xã có trẻ em độ tuổi trung học cơ sở bỏ học hoặc không đi học do phải lao động sớm ở vùng trung du miền núi phía Bắc và các xã thuộc Chương trình 135  tăng qua các năm. Vùng trung du miền núi phía Bắc, tỷ lệ này tăng từ 26,7% năm học 2005-2006 lên 31,4% trong năm học 2013-2014. Ở các xã thuộc Chương trình 135, tỷ lệ này tăng từ 31,7% năm học 2005-2006 lên 34,2% năm học  2013-2014.

Các nghiên cứu cũng cho thấy biến đổi khí hậu và thiên tai có thể trở thành rào cản lớn hơn trong tương lai với việc đến trường của trẻ.

Bên cạnh yếu tố kinh tế thì văn hóa xã hội cũng là một rào cản lớn và thậm chí ngày càng cao. Sự thiếu quan tâm của cha mẹ, kết quả học tập kém khiến trẻ không muốn tiếp tục học.

Quy chuẩn văn hóa trong một số nhóm dân tộc thiểu số đặt phụ nữ và trẻ em gái vào vị trí phụ thuộc vào nam giới, tình trạng tảo hôn ở một số cộng đồng tiếp tục là lý do khiến một số trẻ em gái bỏ học.

Trong khi đó, hệ thống các trường học ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Khoảng cách tới trường của học sinh còn xa và thiếu phương tiện giao thông an toàn. 

Với những rào cản đó, để cải thiện tỷ lệ trẻ em không được đến trường, nhóm nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, các giải pháp cơ bản như thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, mở rộng mạng lưới điểm trường, ưu tiên đầu tư cho học sinh dân tộc thiểu số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục