Vấn đề nước biển dâng tại Đông Nam Á nêu bật mối đe dọa khí hậu

Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa đời sống của hàng chục triệu người cũng như nhiều loài động vật hoang dã ở Đông Á sớm hơn những dự đoán ban đầu trước đây.
Vấn đề nước biển dâng tại Đông Nam Á nêu bật mối đe dọa khí hậu ảnh 1Triều cường gây ngập sâu trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview, trong năm qua, các mối đe dọa về môi trường đang gia tăng tại châu Á có liên quan nhiều tới “nước”- quan trọng nhất là vấn đề nước biển dâng do khí hậu ấm lên.

Đông Nam Á đang ngày một cho thấy là khu vực đặc biệt bị tổn thương. Theo nhiều nghiên cứu mới đây, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa đời sống của hàng chục triệu người cũng như nhiều loài động vật hoang dã ở Đông Á sớm hơn những dự đoán ban đầu trước đây.

Nghiên cứu mới đây được một số người gọi là “Báo cáo về ngày tận thế” cho thấy mực nước biển dâng cao có thể gây lũ lụt gấp 3 lần so với các dự đoán trước đây.

Tại Đông Nam Á, nếu nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc công bố hồi cuối tháng 9/2019 là đúng, thì một phần của Thành phố Hồ Chí Minh và Bangkok có thể nằm dưới mực nước biển vào năm 2050. Một số nhà khoa học cảnh báo rằng đó có thể là “các kịch bản tồi tệ nhất.”

Tác động của băng tan tại Bắc Cực

Nguyên nhân chính gây ra lụt lội tại các khu vực ở Đông Nam Á là do biến đổi khí hậu khiến băng tan ở Bắc Cực và Nam Cực.

Các dòng hải lưu chảy từ hai vùng cực mang theo nước biển dâng tới các thành phố như Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh ở Đông Nam Á.

Trong ấn bản tháng 9/2019, tạp chí National Geographic đã giải thích về hiện tượng tan băng ở Bắc Cực qua bài viết của tác giả Susan Goldberg mang tên “Bắc Cực đang nóng lên.”

Bài viết của Goldberg cho biết hiện tượng vùng “lãnh nguyên” Bắc Cực tan băng sẽ đẩy nhanh sự ấm lên toàn cầu.

[Chống biến đổi khí hậu: Tham vọng đang tuyệt vọng?]

Các nhà khoa học đã phát hiện rằng tầng đất bị đóng băng ở vùng cực một thời tan chảy ở mức vài cm một năm, giờ đây có thể tan chảy ở mức 3 mét trong vài ngày hay vài tuần, “tạo ra các vùng đầm lầy tại các khu vực bị đóng băng một thời và đẩy nhanh lượng khí thải carbon dưới mặt đất lên tới 1.600 gigabytes.”

Hỏa hoạn, một thời được cho là hiếm khi xảy ra tại Bắc Cực, giờ đây trở nên phổ biến hơn bao giờ hết do khí hậu ấm lên làm tan chảy khu vực. Khi các tầng đất bị đóng băng tan chảy gần sườn đồi hay các dòng suối hay dòng sông, nó có thể gây ra lở đất, do đó đẩy nhanh sự tan băng.

Các hồ ở Bắc Cực cũng bắt đầu tan băng, cho phép vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhờ các chất hữu cơ, làm giải phóng các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Hiệu ứng nhà kính

Nhiệt độ Trái Đất ấm dần lên cũng góp phần gây ra “hiệu ứng nhà kính” do lượng khí CO2 và các khí gây ô nhiễm khác tăng lên. Các khí gây hiệu ứng nhà kính tập hợp trong bầu khí quyển và hấp thu ánh sáng Mặt Trời và bức xạ Mặt Trời.

Thông thường, bức xạ này thoát ra ngoài vào không gian, nhưng hiện nay các khí gây ô nhiễm có thể tồn tại vài năm trong khí quyển, lưu giữ nhiệt và khiến hành tinh nóng lên.

Trên trang mạng GlobalAsia, tác giả Matthew A. Shapiro dẫn nguồn các nhà khoa học cho biết 70% nguồn gây ô nhiễm không khí của Nhật Bản và Hàn Quốc xuất phát từ Trung Quốc.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, với mục tiêu thiết lập các mắt xích trên bộ và trên biển với gần 70 quốc gia với chi phí có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD, đã vấp phải nhiều lời cảnh báo của các nhà khoa học và môi trường học liên quan đến tác động của nhiều dự án cơ sở hạ tầng tới môi trường.

Sau khi vấp phải nhiều lời phàn nàn, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết hồi đầu năm 2019 rằng sẽ biến BRI trở nên thân thiện với môi trường, nhưng các chuyên gia vẫn chờ đợi các biện pháp được thực thi sau cam kết của ông.

Bên cạnh đó, rác thải nhựa ngập tràn trên các đại dương cũng đang gây ra cái chết của nhiều loài sinh vật biển. Kể từ khi Trung Quốc ngừng mua rác để tái chế, Mỹ, các nước châu Âu và Đông Nam Á đã vật lộn để tìm ra cách thức xử lý rác thải nhựa.

Sự chú ý cao độ cần thiết tại Thái Lan và Việt Nam

Khi nhắc tới vấn đề triều dâng, người dân ở Việt Nam và Thái Lan dường như đều biết rõ rằng nước biển đang dâng cao. Tuy nhiên, một số người dân tại Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh gần đây cho biết “vấn đề triều dâng” không nhận được sự chú ý cao từ chính phủ Thái Lan và Việt Nam.

Tờ Japan Times nhấn mạnh trong bài xã luận hồi tháng 11/2019 rằng những người bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi mực nước biển dâng cao sẽ là hàng triệu người sống trên các đảo nhỏ tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vốn chỉ cao trên mực nước biển 1-2 mét. Họ cũng có thể nằm trong số những người ít có khả năng đối phó nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục