Vì sao chất lượng không khí ở Hà Nội gần đây luôn ở mức ‘lo lắng’?

Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội nói về nguyên nhân khiến chất lượng không khí ở mức “lo lắng" cũng như nhận định chất lượng không khí trong những ngày tới.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian vừa qua, thông tin chất lượng không khí ở trên địa bàn thành phố Hà Nội đang ở mức "xấu" đã khiến người dân và du khách thực sự lo lắng.

Xung quanh vấn đề này, sáng 29/3, ông Mai Trọng Thái-Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội đã thông tin với báo chí về nguyên nhân khiến chất lượng không khí ở mức “lo lắng,” đồng thời nhận định chất lượng không khí trong những ngày tới.

"Xấu” hơn năm trước

- Xin ông cho biết hiện trạng chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những ngày gần đây?

Ông Mai Trọng Thái: Từ kết quả đo được và tính toán chỉ số chất lượng không khí 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy, số ngày AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) đạt mức “tốt” chủ yếu tập trung vào những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi (nắng ấm, có gió và mưa…) và tuần nghỉ Tết Nguyên Đán khi lượng phương tiện tham gia giao thông giảm mạnh.

Số ngày AQI chạm mức “kém” và “xấu” chủ yếu tập trung vào các tuần cuối năm và những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi như 24/1-28/1 và từ 12/3 đến 14/3. Trong giai đoạn này, số ngày chất lượng không khí ở mức “kém” và “xấu” chiếm tỷ lệ khá cao.

Cụ thể, số ngày AQI ở mức “tốt” tại hai trạm cố định Trung Yên 3 (nền đô thị) và Minh Khai (giao thông) có tỷ lệ khá thấp chỉ chiếm 8,1%. Mức “kém” lần lượt là 24,3% và 29,7%; mức “xấu” đều chiếm 12,2%. Nhưng nhìn chung, trong giai đoạn này, chất lượng không khí tại các khu vực quan trắc vẫn ở mức “trung bình” là chủ yếu.

- Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2018 thì chất lượng không khí ở nội thành Hà Nội trong quý I/2019 như thế nào thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái: Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2018, có thể thấy chất lượng không khí trong quý I/2019 không được tốt như năm trước.

Cụ thể, vào quý I/2018 tại tất cả các trạm quan trắc đều không có ngày nào chạm mức “xấu.” Còn vào quý I/2019, số ngày không được tốt như năm trước (đạt mức “xấu”) đều xuất hiện tại tất cả các trạm (như đã phân tích cụ thể ở trên).

Có thể thấy, dịp Tết Nguyên đán của cả hai năm (2018 và 2019) rơi vào giai đoạn tháng 2. Nhu cầu về phương tiện giao thông đi lại cũng như các hoạt động khác vào dịp cuối năm cũng đều tăng cao, tuy nhiên, điều kiện khí tượng vào dịp Tết của 2 năm là rất khác nhau.

Nếu như điều kiện thời tiết trước dịp Tết Nguyên Đán 2018 khá thuận lợi như xuất hiện mưa và gió trên diện rộng, phần nào tạo điều kiện cho các chất thải khói bụi dễ dàng khuếch tán lên các tầng cao, thì điều kiện thời tiết tại thời điểm trước Tết Nguyên Đán 2019 lại bất lợi do không có mưa, ít gió, sáng sớm xuất hiện sương mù dày đặc, chất thải bị tích tụ lại khiến chất lượng không khí xấu đi.

[Biến đổi khí hậu: Lượng khí CO2 tăng kỷ lục do nhu cầu năng lượng tăng]

- Vậy đâu là nguyên nhân khiến các chỉ số chất lượng không khí 3 tháng đầu năm 2019 ở nội thành Hà Nội đang ở mức kém?

Ông Mai Trọng Thái: Theo phân tích của chúng tôi, nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí xấu đi tại thời điểm này là do điều kiện khí tượng bất lợi.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 3 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao.

Có những hôm trời có thể có hửng nắng, ngày có nhiệt độ khá cao, nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt (chênh lệch nhiệt độ lạnh giữa mặt đất và không gian trên cao) khiến các bụi mịn bị tích tụ, không thoát lên cao và phát tán trong không gian khiến chất lượng không khí trong thời gian gần đây xấu đi rõ rệt.

- Ngoài điều kiện khí tượng bất lợi, theo ông, chất lượng không khí có bị ảnh hưởng bởi khuyên nhân khác...?

Ông Mai Trọng Thái: Điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng hoặc nguồn thải từ các khu công nghiệp lân cận… đã làm cho bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm mà khó có thể phát thải, pha loãng, khiến chất lượng trong giai đoạn này xấu đi.

Thực tế cho thấy, có những ngày cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy), mật độ giao thông thường ở mức cao nhất so với các ngày khác trong tuần nhưng nếu điều kiện khí tượng thuận lợi như trời quang, nhiều gió thì chỉ số chất lượng không khí cũng thường ở mức “trung bình.”

Ngược lại, đối với những ngày giao thông ở mức thấp trong tuần (Chủ Nhật) nhưng nếu độ ẩm cao, sương mù thấp, ít gió... thì chỉ số chất lượng không khí thường ở mức “kém,” thậm chí ở mức “xấu.” Hiện tượng này được thể hiện rất rõ trong một số tuần từ đầu năm đến nay, cụ thể như hiện tượng của tuần này, từ ngày 25/3 đến nay.

Vì sao chất lượng không khí ở Hà Nội gần đây luôn ở mức ‘lo lắng’? ảnh 1Chỉ số chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội đã được cải thiện sau cơn mưa sáng 29/3. (Ảnh: Việt Hùng)

Thêm trạm quan trắc không khí

- Theo ông, cơn mưa nhỏ sáng nay ở Hà Nội có giúp cải thiện chất lượng không khí trong những ngày tới?

Ông Mai Trọng Thái: Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày sắp tới sáng sớm tại Hà Nội vẫn sẽ có sương mù, trưa chiều trời nắng, nên điều kiện khí tượng bất lợi vào các ngày tiếp theo có thể sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, vào các ngày cuối tuần, có thể điều kiện khí tượng bất lợi sẽ được cải thiện do ảnh hưởng của gió mùa dự báo sẽ có mưa rào và gió mạnh.

Và thực tế, trong sáng nay 29/3, tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội đã có mưa rào nhẹ. Vì vậy, có thể sẽ giảm xuống ở Hà Nội sẽ được cải thiện. Cụ thể, vào khoảng 7 giờ sáng nay, chỉ số bụi PM2.5, PM.10 đang ở mức xấu (AQI từ 200-300) thì đến 8 giờ 30 sáng, chỉ số này đã giảm xuống còn mức kém (AQI từ 100-200).

Và nếu cuối tuần này, gió mùa và mưa tiếp tục đến thì có thể chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ được cải thiện rõ rệt, chỉ số sẽ đạt ở mức trung bình. Khi đó, chúng ta không phải long lắng nhiều nữa.

[Con người đang phải trả giá đắt khi hủy hoại môi trường]

- Thưa ông, trong thời gian chất lượng không khí có thể sẽ tiếp tục ở mức “lo lắng,” Chi cục Môi trường đã tham mưu gì với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như lãnh đạo thành phố để cảnh báo và có phương án cải thiện dần tình trạng này?

Ông Mai Trọng Thái: Chúng tôi thực hiện việc thông tin hàng ngày vào khung 18 giờ 30 phút trên một số đài, báo của thành phố về chất lượng không khí trong 24 giờ tại 18 trạm quan trắc trên địa bàn.

Ngoài ra, chúng tôi đã tham mưu với Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị và được Thành ủy Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận mở rộng từ 10 Trạm Quan trắc không khí lên 33 Trạm trong thời gian từ 2019 đến 2020.

Sau khí có 33 Trạm Quan trắc này, chúng tôi tự tin sẽ kịp thời thông tin, dự báo và cảnh báo về chất lượng không khí để các cơ quan chức năng, du khách và người dân được biết để hưởng ứng và thực hiện góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Ngoài ra, thời gian qua, Chi cục Môi trường Hà Nội cũng đã rất chủ động phối hợp với Tổng cục Môi trường mà trực tiếp là Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường miền Bắc để hoàn thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Môi trường để cập nhật thông tin và đầu tư đồng bộ hệ thống quan trắc của Hà Nội với Hệ thống quan trắc môi trường Quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, vận hành.

Chi cục Môi trường Hà Nội cũng mong muốn ngành Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện Hệ thống quan trắc môi trường Quốc gia để kết nối thông tin kiểm soát chất lượng môi trường trên toàn lãnh thổ Việt Nam đặc biệt là các tỉnh lân cận và kiểm soát chất lượng môi trường xuyên biên giới.

Từ đó Hà Nội cũng có thể chủ động trong công tác xây dựng các kịch bản ứng phó kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô../.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục