[Video] 'Đừng để tái diễn 2' - sự thảm khốc của đại dịch COVID-19

Gần 1 năm kể từ thời điểm COVID-19 bắt đầu xuất hiện, thế giới vẫn đang quay cuồng trong những ảnh hưởng khốc liệt từ đại dịch này.

Ngày 4/11, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho ra mắt phim ngắn truyền thông "Đừng để tái diễn 2," khắc họa lại những khoảnh khắc căng thẳng trong những ngày cả nước đương đầu với COVID-19, kêu gọi cộng đồng cùng nỗ lực hành động nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Phim bắt đầu với những hình ảnh không mấy xa lạ trong đại dịch COVID-19: Một thành phố trống vắng lạ lùng, những tòa nhà xuất hiện nhanh chóng, dồn dập như cách mà đại dịch này đã xuất hiện và lây lan.

Gần 1 năm kể từ thời điểm COVID-19 bắt đầu xuất hiện, thế giới vẫn đang quay cuồng trong những ảnh hưởng khốc liệt từ đại dịch này.

Hơn 1,2 triệu người (tính tới ngày 4/11/2020) đã thiệt mạng, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ các quốc gia đã chi hàng ngàn tỷ đôla nhằm ngăn chặn, loại bỏ dịch bệnh này.

Hiện, chưa có thông tin chính thức về nguồn gốc của COVID-19, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa đại dịch tàn khốc này với động vật hoang dã.

Lịch sử cũng cho thấy, nhân loại đã nhiều lần phải chống chọi với các đại dịch có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% dịch bệnh truyền nhiễm trong hơn 30 năm qua có nguồn gốc từ động vật, bao gồm cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola, MERS và giờ nhiều khả năng là COVID-19.

Chắc chắn, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đại dịch khác có nguồn gốc từ động vật bùng phát trong tương lai, trừ khi chúng ta thay đổi nhận thức và hành động ngay bây giờ.

[COVID-19 tái hiện đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918]

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết, trước sự bùng phát của đại dịch, Việt Nam đã có những nỗ lực được thế giới ghi nhận không chỉ trong công tác bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan, mà còn cả những tuyên bố hành động mạnh mẽ hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam.

Bà Dung chia sẻ, mặc dù cuộc sống có vẻ đã và đang dần trở lại trạng thái bình thường tại Việt Nam, nhưng chúng ta không nên quên những mối đe dọa từ COVID-19 hay các dịch bệnh khác có nguồn gốc từ động vật.

Đó là tác động đến sức khỏe, sự an toàn của mỗi người, cũng như những thiệt hại kinh tế nặng nề do việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh và thực hiện các giải pháp khác nhằm ngăn chặn đại dịch.

Phim ngắn “Đừng để tái diễn” là một sản phẩm truyền thông nằm trong chiến dịch cùng tên do ENV khởi xướng trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Chiến dịch nhằm kêu gọi người dân Việt Nam thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm loại bỏ tình trạng tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Thông điệp của phim ngắn “Đừng để tái diễn” lần 1 (ra mắt vào tháng 4/2020) đã được truyền tải trên hơn 60 kênh truyền hình cả nước, đồng thời phát sóng trong thang máy tòa nhà, khu văn phòng, trung tâm thương mại, trên xe buýt công cộng, tàu hỏa và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

ENV khuyến cáo một số khu vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã như nhà hàng, cơ sở kinh doanh động vật hoang dã là điểm “nóng” dễ bùng phát dịch bệnh từ động vật sang người.

Quan trọng hơn, đừng quan niệm sai lầm rằng nguy cơ chỉ đến từ việc trực tiếp tiêu thụ động vật hoang dã; do điều kiện vệ sinh trong chế biến tại các nhà hàng.

Nguy cơ có thể xảy đến với bất kỳ thực khách nào tại nhà hàng khi nơi đó phục vụ các món ăn từ động vật hoang dã bất hợp pháp.

Khu chợ buôn bán động vật hoang dã, thịt, bộ phận hoặc các sản phẩm từ động vật hoang dã, trang trại gây nuôi thương mại động vật hoang dã, hoặc sản phẩm từ các trang trại này... cũng mang nguy cơ lây nhiễm cao.

ENV khuyến cáo người dân giữ an toàn cho chính bản thân bằng cách không tiêu thụ động vật hoang dã hoặc các sản phẩm từ động vật hoang dã; không nuôi động vật hoang dã làm vật cảnh và thông báo các vi phạm về động vật hoang dã tới cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã miễn phí 1800-1522./.

Phim ngắn "Đừng để tái diễn 2"

(TTXVN/Vietnam+)