Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong hai ngày 1-2/10 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ) đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, nghe các báo cáo cập nhật của Cao ủy Liên hợp quốc về tình hình tại một số khu vực và xem xét, thông qua 32 dự thảo nghị quyết, quyết định và tuyên bố chủ tịch.
Trên cơ sở quan tâm và cam kết của mình, đoàn Việt Nam đã tích cực đóng góp vào các thảo luận thường niên, thảo luận chuyên đề và đối thoại với các cơ chế, thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền, đồng thời chủ động tham gia vào các vòng thương lượng các dự thảo của khóa 30.
Trong những phiên họp cuối cùng của khóa 30, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (Geneva), Trưởng đoàn Việt Nam, đã có một số phát biểu quan trọng liên quan đến tình hình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người và nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật liên quan tại một số nước trong khu vực, trong đó có Campuchia, Sri Lanka và Myanmar.
Các phát biểu này tập trung đánh giá nỗ lực và cam kết của các nước liên quan, nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và hỗ trợ, từ đó kêu gọi cộng đồng quốc tế thể hiện thái độ đối thoại chân thành và có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho các nước liên quan. Thông điệp của Việt Nam tại các phát biểu này, cũng như đã thể hiện rõ nét trong suốt chặng đường làm thành viên Hội đồng Nhân quyền cho đến nay, là sự hợp tác và hỗ trợ cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng và hòa hợp xã hội bền vững tại các quốc gia này.
Trên tinh thần chủ động, trách nhiệm, đoàn Việt Nam đã chủ động đóng góp nhiều nội dung quan trọng đối với các dự thảo nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận. Việt Nam cũng đã bỏ phiếu thuận với các nghị quyết có nội dung tích cực, tiến bộ hướng tới việc xây dựng các quyền phát triển, quyền hòa bình, quyền nông dân, chống bạo lực cực đoạn… và bỏ phiếu trắng đối với dự thảo về Syria.
Khóa 30 đánh dấu 2/3 chặng đường ba năm nhiệm kỳ 2014-2016 Việt Nam chính thức làm thành viên Hội đồng Nhân quyền một cách chủ động, trách nhiệm, được các nước, các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người và các tổ chức quốc tế khác đánh giá cao; đồng thời đánh dấu hai năm liên tiếp Việt Nam đảm nhiệm vai trò Điều phối viên ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền, có nhiều đóng góp tăng cường hình ảnh, vị thế của tổ chức này tại diễn đàn lớn nhất của Liên hợp quốc về quyền con người.
Có tất cả 21/32 dự thảo được Khóa 30 Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận có nội dung liên quan đến những vấn đề được cộng đồng quan tâm trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đáng chú ý có các nghị quyết về chính sách quốc gia và quyền con người, các thể chế hợp tác khu vực và nhân quyền, quyền y tế của người bản địa, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, phòng chống đại dịch và quyền con người, hợp tác quốc tế trong bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người di cư…
Hội đồng Nhân quyền cũng đồng thuận thông qua các dự thảo nghị quyết về hỗ trợ kỹ thuật cho một số quốc gia đang có hoặc đã trải qua xung đột vũ trang như Yemen, Somalia, Campuchia, Cộng hòa Trung Phi… và tăng cường hòa giải dân tộc và tái thiết tại Sri Lanka.
Ngoài ra, Hội đồng Nhân quyền cũng đã bỏ phiếu thông qua 11 dự thảo nghị quyết liên quan đến nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế còn có ý kiến đa chiều, trong đó có dự thảo nghị quyết về tình hình Syria, và các dự thảo về công tác chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và quyền con người, quyền hòa bình, quyền phát triển, quyền nông dân, việc sử dụng lính đánh thuê…/.