Vinatex: Hướng tới chiến lược xanh hóa ngành Dệt may Việt Nam

Đại diện Vinatex cho biết, để xanh hóa ngành dệt may, tập đoàn sẽ đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên, phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc năng lượng tái tạo
Vinatex: Hướng tới chiến lược xanh hóa ngành Dệt may Việt Nam ảnh 1Vinatex phấn đấu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 4%, lợi nhuận tăng 11-12% so với năm 2019. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin với báo chí ngày 3/1, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tập đoàn đang hướng tới chiến lược xanh hóa ngành dệt may trong nước.

Cụ thể, để phát triển bền vững, doanh nghiệp phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng cách áp dụng công nghệ nhuộm không nước, sử dụng máy nhuộm dung tỷ thấp 1:3 thay cho 1:8 hiện nay.

Bên cạnh đó, ngành sẽ sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Tổng thể giảm trên 40% lượng nước sử dụng trong ngành nhuộm.

Ngoài ra, trong ngành sợi, tới 2025 sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, Vinatex sẽ đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên, phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc năng lượng tái tạo.

[Thủ tướng: Ngành dệt may cần giữ vững vị trí tốp đầu thế giới]

Nhìn lại 2019, theo đại diện Vinatex, đây là năm khá “sóng gió” với ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng 7.22% so với 2018.

Mức tăng này cũng chậm hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số của những năm trước đó.

Về nguyên nhân, ông Hiếu cho biết, bên cạnh tổng cầu giảm, thì điểm khó khăn lớn hơn là xu thế kinh doanh ngắn hạn, phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, đơn hàng đặt ngắn hạn, do đó doanh nghiệp khó tối ưu kế hoạch và chi phí, dẫn tới hiệu quả suy giảm (mặc dù vẫn có tăng trưởng về doanh thu.)

Hơn nữa, ngoài vấn đề giá, chất lượng, tiến độ như thông thường, nhiều yêu cầu mới được các nhà mua hàng lớn đặt ra như là rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu.

Cụ thể là các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được như nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế. Cùng với đó là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...,

“Với các đặc trưng mới của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, chỉ có các doanh nghiệp tham gia chính thức vào chuỗi, được doanh nghiệp đầu chuỗi đánh giá mới có khả năng có được đơn hàng sản xuất ổn định, giá cả hợp lý nhất do được san sẻ lợi nhuận từ các khâu có tỷ lệ cao như thiết kế, phân phối, sang cho khu vực có lợi nhuận thấp hơn như khâu sản xuất,” ông Hiếu thông tin thêm.

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đại diện Vinatex kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời quy hoạch khu công nghiệp dệt may quy mô 300 - 500ha trên 1 khu, số lượng khoảng 10 khu trên cả nước và có đầu tư đủ hạ tầng về xử lý môi trường để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng.

Phía Vinatex cũng đề xuất thêm chính sách không thu thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu và xem xét có khả năng cho vay lưu động bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có xuất khẩu thu ngoại tệ tương ứng cũng như tiếp tục nỗ lực giảm lãi vay, nhất là lãi vay đầu tư…

Theo Vinatex, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 ước đạt hơn 45,4 nghìn tỷ đồng, bằng 95,2% kế hoạch năm.

Tổng doanh thu đạt 49,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,9 tỷ USD, bằng 97,6%; lợi nhuận trước thuế đạt gần 1,4 nghìn tỷ đồng, bằng 83,9% kế hoạch năm 2019.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục