WEF ASEAN: Nắm bắt cơ hội và quản lý thách thức từ Cách mạng 4.0

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN là cơ hội để các nước chia sẻ, trao đổi bài học kinh nghiệm và thực tiễn về tranh thủ cơ hội cũng như xử lý các vấn đề mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.
WEF ASEAN: Nắm bắt cơ hội và quản lý thách thức từ Cách mạng 4.0 ảnh 1Cuộc họp lần thứ tư Ban Tổ chức Hội nghị WEF về ASEAN. (Nguồn: TTXVN)

Để nắm bắt cơ hội và quản lý các thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cho ASEAN, từ ngày 11-13/9, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ đồng tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 tại Hà Nội, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư."

Hội nghị sẽ là cơ hội để các nước chia sẻ, trao đổi những nhận thức mới, bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về tranh thủ cơ hội cũng như xử lý các vấn đề mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra.

Chủ đề của Hội nghị rất thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung của ASEAN và khu vực.

Thúc đẩy hợp tác trong tương lai

ASEAN được đánh giá là một động lực tăng trưởng mới của thế giới. Không muốn đứng ngoài xu thế thời đại, các quốc gia ASEAN đang đặt ưu tiên cho việc tận dụng các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bởi vậy, chương trình nghị sự của Hội nghị WEF ASEAN 2018 được xây dựng gắn với chủ đề năm nay của ASEAN là: "ASEAN tự cường và sáng tạo."

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam Tan Wei Ming nhấn mạnh chủ đề WEF ASEAN 2018 phù hợp với các ưu tiên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và của ASEAN.

Trong khuôn khổ toàn cầu hóa, ASEAN sẵn sàng hợp tác với các đối tác bên ngoài cũng như tham gia các thể chế đa phương để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong tương lai.

Nhận định chủ đề năm 2018 “ASEAN tự cường và sáng tạo” là một minh chứng cho những nỗ lực của ASEAN nhằm thích nghi với các điều kiện mới, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam Tan Wei Ming nhấn mạnh ASEAN có thể thích ứng tốt trong các điều kiện mới, do đó cần phải nắm bắt cơ hội và quản lý các thách thức, trang bị tốt cho người dân với các kỹ năng và trình độ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các nước thành viên trong khối.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam Tan Wei Ming chia sẻ ASEAN cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, tự cường để đáp ứng xu thế thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như tình hình thế giới đang thay đổi mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần có sự kết nối toàn cầu cũng như trong khu vực, đồng thời phải điều chỉnh để giải quyết những khó khăn, thách thức. Hiện nay cần có những công nghệ mới, thích ứng với công việc mới, đảm bảo rằng không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

ASEAN là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới với 630 triệu người dân, trong đó 260 triệu người thường xuyên truy cập Internet và dự báo sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020.

Ở Việt Nam, khoảng 60% trong tổng dân số 93 triệu người là dưới 35 tuổi, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới và khoảng 55% dân số sử dụng Internet.

Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trong top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek, nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực. Đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Đây chính là cơ hội cho phát triển bao trùm. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cuộc cách mạng về giao dịch, thanh toán, logistic, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như khu vực.

Để thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng từng Chính phủ của ASEAN và doanh nghiệp các nước ASEAN cần phát huy tự cường, tìm các hướng đi và giải pháp mới. Singapore đã đưa ra sáng kiến quốc gia thông minh, Indonesia có chính sách phát triển các vườn ươm công nghệ, Thái Lan có tầm nhìn Thái Lan 4.0…

Chia sẻ về những quy định và chính sách mới trong hoạt động khuyến khích đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết thời gian qua, một số cơ chế, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cụ thể, Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025.” Đây là văn bản chính sách đầu tiên, bao quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Đề án được xây dựng và chủ trì triển khai thực hiện bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, có phạm vi bao trùm toàn quốc. Sau hai năm triển khai, đã có 30 tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai Đề án 844 tại địa phương.

Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lần này tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông nói riêng, công nghệ thông tin nói chung.

Theo bà Phan Hoàng Lan, thời gian tới, Đề án 844 sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo từ nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, đặc biệt là từ kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng sức cạnh tranh

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong khoảng 2 thập niên tới.

Bên cạnh đó, những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, thanh toán thông minh, taxi Uber, Grab... đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý của các Chính phủ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh, nhằm tiến lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, chấn hưng giáo dục, phát huy tinh thần khởi nghiệp, khả năng sáng tạo và sự năng động của cả quốc gia.

[Hội nghị WEF ASEAN 2018 mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp]

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ) về những cơ hội và thách thức của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Ban điều hành Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến tất cả các nước trên thế giới, cho dù là những nước giàu có nhất, hiện đại nhất hay những nước nghèo nhất và kém phát triển nhất.

Nhìn vào khu vực ASEAN, có cả những nước kém phát triển và các nước phát triển ở trình độ cao. Và những thay đổi mà chúng ta thấy, những công nghệ mới sẽ có tác động khác nhau ở các quốc gia khác nhau.

Ông Justin Wood nhấn mạnh nếu nói về tương lai việc làm, thị trường lao động, vốn là vấn đề quan trọng đối với sự thịnh vượng của người dân. Dân số trong độ tuổi lao động của ASEAN tăng 11.000 người mỗi ngày và tốc độ này sẽ tiếp diễn trong 15 năm tới, một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lực lượng lao động.

Thực tế này diễn ra cùng lúc với thời điểm công nghệ mới làm thay đổi môi trường làm việc. Robot thay thế nhân lực trong các nhà máy, trí tuệ nhân tạo thay thế con người trong các văn phòng. Thay đổi lớn lao này đang diễn ra.

Vì vậy, quan trọng là các nhà lãnh đạo ASEAN hiểu công nghệ sẽ ảnh hưởng ra sao đến tương lai việc làm và người lao động, hệ thống giáo dục phải phát triển thế nào để đảm bảo người lao động vẫn có thể giữ lợi thế cạnh tranh.

WEF ASEAN: Nắm bắt cơ hội và quản lý thách thức từ Cách mạng 4.0 ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cũng theo ông Justin Wood, một khía cạnh khác là vấn đề cạnh tranh và cách thức các doanh nghiệp, các quốc gia hay nền kinh tế giữ vững tính cạnh tranh trong bối cảnh tất cả những thay đổi về công nghệ đang diễn ra nhanh chóng.

Khi xem xét một quốc gia như Việt Nam và các nước khác ở cùng trình độ phát triển, một trong những chiến lược chính của các nước này là cạnh tranh về chi phí, đặc biệt là lao động giá rẻ. Trong tương lai, đây sẽ không còn là chiến lược khả thi để giữ vững tính cạnh tranh nữa.

Ông Justin Wood nhấn mạnh: “Các nước như Việt Nam sẽ phải thể hiện tính cạnh tranh ở các khía cạnh khác, chứ không phải ở khía cạnh nhà sản xuất có chi phí thấp nữa."

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 dự kiến có khoảng gần 60 phiên thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đó là xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục