Xây dựng Bạc Liêu trở thành điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn

Quý 1/2022 du lịch Bạc Liêu có những tín hiệu phục hồi đáng phấn khởi, với khoảng 950.000 lượt khách, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng 795 tỷ đồng, tăng 54%.
Xây dựng Bạc Liêu trở thành điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn ảnh 1Du khách nước ngoài tham quan chùa của đồng bào Khmer. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Quý 1/2022 du lịch Bạc Liêu có những tín hiệu phục hồi đáng phấn khởi, với khoảng 950.000 lượt khách, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng 795 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là cơ sở để ngành Du lịch Bạc Liêu phát triển sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bạc Liêu phấn đấu đón 3,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch-dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tỉnh dự kiến công nhận mới từ 1-2 điểm du lịch, công nhận từ 1-3 khách sạn đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, đồng thời đề nghị Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu của vùng.

Để đạt được mục tiêu trên, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin-Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cho biết từ nay đến cuối năm, tỉnh đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch. Cụ thể, tỉnh khẩn trương thực hiện phương án tổ chức trở lại hoạt động du lịch trên địa bàn với thông điệp “Du lịch Bạc Liêu an toàn hấp dẫn,” trong đó chú trọng một số nhiệm vụ như tập trung rà soát, chấn chỉnh, chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, đảm bảo phục vụ khách.

[Bạc Liêu: Phấn đấu thành trung tâm du lịch vùng đất "chín rồng"]

Trước mắt, tỉnh kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiện nghi phục vụ du khách tại các cơ sở dịch vụ du lịch. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh yêu cầu tất cả cơ sở lưu trú du lịch phục vụ du khách phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện, phương án phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với việc củng cố, phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cơ sở du lịch củng cố hoặc thay thế sản phẩm dịch vụ hiện có cho phù hợp xu hướng, thị hiếu du khách...

Một trong những lợi thế của du lịch Bạc Liêu so với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long là du khách không mất quá nhiều thời gian di chuyển, bởi hầu hết các điểm tham quan đều nằm trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

Du khách có thể đi tour quanh địa bàn thành phố Bạc Liêu chỉ mất một ngày. Cụ thể, du khách có thể đi từ Khu du lịch sinh thái Hồ Nam đến Quảng trường Hùng Vương rồi ghé cụm nhà Công tử Bạc Liêu, sau đó đi theo tuyến biển ghé Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, tham quan Khu biển nhân tạo-Khu du lịch Nhà Mát, viếng chùa Quán âm Phật đài, vi vu Nhà máy Điện gió Bạc Liêu…

Xây dựng Bạc Liêu trở thành điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn ảnh 2Du khách tìm hiểu về thân thế nhạc sỹ Cao Văn Lầu - người sáng tác bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Với lợi thế về tự nhiên cùng tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thành phố Bạc Liêu đang thực hiện Đề án chiến lược phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng năm 2030. Các sản phẩm du lịch của thành phố Bạc Liêu sẽ là sản phẩm du lịch đặc thù gồm sản phẩm du lịch văn hóa gắn với Bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sỹ Cao Văn Lầu và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch tham quan điện gió gắn với hệ sinh thái rừng ven biển; sản phẩm du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa, nghệ thuật xung quanh quảng trường; sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ven biển rừng ngập mặn; sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan Vườn Chim…

Ngành Du lịch hướng tới sẽ khảo sát sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, hai huyện Hồng Dân và Phước Long để hỗ trợ các địa phương xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch. Ngành Du lịch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng Đề án Phát triển sản phẩm OCOP du lịch “Khu Du lịch cộng đồng Vườn nhãn Bạc Liêu;” hỗ trợ chùa Xiêm Cán hoàn thiện sản phẩm để trình hồ sơ đề nghị công nhận Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ Công ty Phương Anh triển khai thực hiện Khu Du lịch sinh thái Điện gió Hòa Bình I để hình thành khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn 4 sao.

Ngành Du lịch Bạc Liêu đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp rà soát, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực du lịch; chuẩn bị nguồn nhân lực đảm bảo số lượng, chất lượng tương ứng với mức độ phục hồi của các thị trường khách du lịch; đồng thời, đa dạng hóa hình thức đào tạo du lịch. Ngành Du lịch tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín để liên kết mở khóa đào tạo chuyên ngành du lịch, nhất là tăng cường hợp tác với Đại học Bạc Liêu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh...

Liên quan đến hoạt động tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, bà Trần Thị Lan Phương cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, trong quý 2 này, ngành Du lịch sẽ tổ chức đoàn công tác xúc tiến du lịch làm việc với các doanh nghiệp lữ hành lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh như Viettravel, Saigontourist, Bến Thành tourist và liên danh tư vấn sản phẩm du lịch thành phố Bạc Liêu.

Ngành Du lịch đang phối hợp với VNPT Bạc Liêu vận hành thử nghiệm Cổng thông tin và ứng dụng di động thông minh; tiếp tục triển khai giải pháp về quảng bá xúc tiến du lịch trên các nền tảng du lịch thông minh như Facebook, Zalo, Mã QR...

Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí địa điểm thuận tiện để làm Trung tâm quảng bá, giới thiệu du lịch địa phương, kết hợp trưng bày, bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP Bạc Liêu cũng như mở không gian Hội quán Du lịch Bạc Liêu, quyết tâm trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục