“Con đường âm nhạc” Nguyễn Ánh 9: Dư âm sâu lắng

Chương trình con đường âm nhạc tháng Mười một để lại dư âm đặc biệt về một người nhạc sĩ cao niên mà gần gũi, giản dị lạ thường.
Chương trình con đường âm nhạc tháng Mười một để lại dư âm đặc biệt về một người nhạc sĩ cao niên mà gần gũi, giản dị lạ thường. Dấu ấn về nhạc, về người đã đem đến thành công, kiểu thành công sâu lắng…
 
Vĩ thanh của chương trình vang tình khúc nồng nàn

Với chủ đề “Lặng lẽ tiếng dương cầm,” đêm nhạc tôn vinh con đường âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vừa diễn ra lúc tối  21/11 tại Nhà hát Quân đội, Thành phố Hồ Chí Minh và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam.
 
Nguyễn Ánh 9 sinh ra tại Phan Rang, nhưng lớn lên và học tại Nha Trang, sau đó là Đà Lạt. Thuở nhỏ, ông đã tự học hỏi và chơi dương cầm từ những đĩa nhạc cổ điển đi mượn được của bạn bè.

Được biết đến đầu tiên như một nghệ sĩ chơi dương cầm (ông từng đệm đàn cho các danh ca: Thái Thanh, Khánh Ly…), nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp sáng tác với ca khúc "Không" - được viết rất tình cờ và nhanh chóng, từ một câu hỏi của người bạn (nên câu hát đầu tiên là lời đáp: "Không, không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...).

Hiện nay, nhạc sĩ đã ở tuổi thất thập, ông vẫn là nghệ sĩ biểu diễn dương cầm đều đặn ở một khách sạn lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, không chỉ chủ đề, mà cả thiết kế sân khấu cũng được thực hiện như một chiếc dương cầm gắn liền với sự nghiệp. Và "Lặng lẽ tiếng dương cầm" cũng là sáng tác gần đây nhất của nhạc sĩ…

Chương trình đã có sự tham gia của các ca sĩ: Ánh Tuyết, Mỹ Hạnh, Hồng Hạnh, Mỹ Lệ, Đức Tuấn, Thụy Long, Bonneur Trinh, Dịu Hiền, Bích Hiền, Huy Luân…nhưng người khán giả vẫn hơi tiếc vì muốn có những giọng hát hay hơn nữa ở một số bài...

Nhiều người Việt Nam quen nghe nhạc mà chưa biết đó là tác phẩm của ai nên chương trình “Con đường âm nhạc” của Nguyễn Ánh 9 gây ra không ít ngỡ ngàng cho người xem. Thì ra ông là tác giả của những ca khúc trữ tình, những câu hát luôn bất giác bật lên trên môi ta như: “Buồn ơi, chào mi,” “Không. Tôi không còn yêu em nữa,” "Ai đưa em về", "Một lời cuối cho em", "Chia phôi", "Không”, "Trọn kiếp đơn côi,” "Cô đơn," "Cho người tình xa”…

Dư âm về cuộc giao lưu với tác giả

Điều ấn tượng đặc biệt của chương trình là cuộc giao lưu thật chân tình cùng ông. Sau chương trình có một Nguyễn Ánh 9 với nhân cách nghệ sĩ đã gây ấn tượng đẹp với người xem. Đây cũng là điểm khiến chúng ta liên tưởng đến sự tự tin, tự phụ thái quá của vài nhạc sĩ trẻ mới có đôi bài.

Trước tấm gương về nhân cách và sự giản dị, khán giả thấy ấm lòng. Và từ đây những tình khúc của Nguyễn Ánh 9 lại ngọt ngào hơn trong hồn người yêu nhạc.

Nhạc sĩ có tên thật là Nguyễn Đình Ánh, ông đã giải thích nghệ danh Nguyễn Ánh 9 của mình khá bất ngờ. Đó là ông đã lấy ngày cưới của mình (ngày mùng 9) trong niềm hạnh phúc gia đình sau 5 năm kết hôn với  người vợ hiền và có  được những đứa con kháu khỉnh.

Ông còn chia sẻ làm cả hội trường lớn cùng vỗ tay ông đặt tên có số sẽ lạ để gây chú ý và PR cho mình. Khiêm tốn, giản dị ông bảo: “Tôi có trong chương trình ‘Con đường âm nhạc’ này đã là câu trả lời chọn tên Nguyễn Ánh 9 có được hay không.”

Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình là tại sao tình khúc của ông cứ buồn làm vậy, Nguyễn Ánh 9 đã trả lời hóm hỉnh: “Giống như câu thơ ‘Tình chỉ đẹp khi còn dang dở’… Khi mình mới yêu nhau, không ai mang cái xấu cái dở của mình để nói với nhau, Chỉ yêu thương thôi. Thành vợ thành chồng rồi những cái dở sẽ lộ ra hết. Dang dở của tình yêu giống như thức ăn có vị chua, có cay cay mới ngon.”

Nhạc sĩ tâm sự: “Người nghệ sĩ dù “thương vay khóc mướn” nhưng phải có cái tâm. Mình sáng tác một bài hát có thể xoa dịu nỗi đau của người khác. Ví dụ một người vừa chia tay người yêu sẽ có thể gặp được sự đồng cảm trong ca khúc. Người nghệ sĩ và người thưởng thức phải có sự đồng điệu trong tâm hồn.”

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nhìn lại rất chừng mực: “Vấn đề tôi đã đạt được là sự thương mến của thính giả, sự yêu thương của bạn bè đồng nghiệp, của những nghệ sĩ đã gắn bó với cuộc đời tôi.”

Và nỗi trăn trở của ông cũng đâu đáu vì sự nghiệp âm nhạc nước nhà: “Cái chưa được là âm nhạc nước ngoài vào Việt Nam nhiều người rất thích, rất si mê mà tại sao những bài hát Việt Nam chưa ra nước ngoài”./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục